18 thg 4, 2013

Lạy Thầy, con đang bị bại liệt!


 ĐỗNăngSVD
Tôi, sinh ra và lớn lên ở vùng quê Bắc bộ, nơi mà Nho giáo đã ngự trị hàng ngàn năm nay, với những lễ nghĩa và phân cấp rạch ròi trong các mối quan hệ.
Đó là: Vua-tôi, Cha-con, Chồng-vợ, Thầy-trò... với những đòi hỏi cho kẻ nam nhi: Nhân-lễ-nghĩa-trí-tín. Với những đòi hỏi của người phụ nữ: Công-dung-ngôn-hạnh.
Những quy tắc này được văn hóa ngàn năm quy vào dáng đi, trang phục, cách ăn, nết ở của cư dân nơi này. Nó đòi hỏi tôi phải là người nhân, người lễ, người nghĩa, người trí và người tín. Nó đòi hỏi tôi phải tùng phục người trên một cách hoàn toàn nơi ngoài xã hội, ấy là quan hệ vua-tôi. Tùng phục trong gia đình ấy là quan hệ cha mẹ-con cái.
Tuy rằng qua dòng thời gian, các mối tương quan này không còn mang bóng dáng như thuở ban đầu, nhưng mọi người sẽ rất tự hào nếu tôi “sợ” họ.

Vì những nhân-lễ-nghĩa-trí-tín tôi không có đầy đủ, nhưng để được là người “quân tử”, tôi phải cố tỏ ra mình mang đầy những phẩm chất đó. Vì vậy tôi phải sắm cho mình những chiếc mặt lạ mang tên chúng để bù đắp lại những thiếu hụt nơi bản thân.
Dần dần tôi trở thành con người khác, con người của sự ngụy trang, dối trá. Con người bề ngoài của tôi đang có phần méo mó so với nội tâm mình. Còn thánh Augustinô thì nói: “Hãy coi chừng! đừng muốn tỏ ra là mình khôn ngoan, thì sẽ trở thành một tên ngốc.”
Tôi thường tự hào để khoe mẽ, để kể về những điều mình không có. Để đánh bóng thương hiệu của mình, tôi sẵn sàng nói dối.
Tại sao tôi phải làm như vậy ư? Tại vì tôi muốn được mọi người đánh giá cao mình. Tôi sợ mọi người coi thường mình, sợ mọi người khinh mình. Tôi đang sống vì dư luận.
Nói cách khác tôi đang sợ chính sự thật về con người mình.
Hôm nay, theo Đức Ki-tô, điều gì đang làm tôi “sợ”, điều gì đang làm tôi “bại liệt”? Trong thâm tâm, tôi sợ cô đơn, sợ bị mọi người xa lánh.
Những thứ sợ phi lý bởi bị cô đơn hay bị xa lánh là điều do chính tôi quyết định. Nếu tôi sống chân tình, tôi sống cởi mở và bao dung không lẽ mọi người lại xa lánh tôi, không lẽ tôi lại cô đơn?
Nếu tôi can đảm đi bước trước trong tha thứ, tôi tinh tế để nhận ra những chăng trở, phiền muộn nơi tha nhân, và tôi khôn ngoan để ai ủi, chia sẻ thì khi đó tôi sẽ nhận lại được sự cảm thông, tình bằng hữu chân thành.
Thế nhưng khi đã cố gắng, tôi vẫn phải sống trong cô đơn. Tôi vẫn cảm thấy mệt mỏi thì sao? Sẽ không sao cả, bởi đó sẽ thật là một điều hữu ích cho đời sống thiêng liêng của tôi.
Vì, khi cô đơn, khi đau khổ, khi bị bỏ rơi, khi bị phản bội thì chính lúc đó tôi cảm nhận được Giê-su đang gần bên tôi hơn bao giờ hết. Điều mà tôi đã không nhận ra trong những ồn ào náo nhiệt của cuộc sống.
Cho dù thực tế thì Người vẫn bên tôi và ở trong tôi, nhưng tôi đã không nhận ra Người. Những trò vui đã làm loãng đi tiếng vọng của Người trong hồn tôi, đã làm mờ đi hình bóng Người trong kí ức của tôi. Vậy nên tôi sẽ không lo lắng, sợ hãi khi mình cô đơn hay bị xa cách.
Tiếp đến điều gì đang làm tôi bại liệt? Đó là tôi sợ tương quan trong đời sống bị đổ vỡ. Một điều sợ có vẻ như rất “thánh”. Nhưng vì sợ như vậy nên nhiều khi tôi không dám nói ra những điều mình suy nghĩ. Tôi ngại phải xây dựng, góp ý sửa lỗi cho nhau.
Tôi sợ tương quan bị đổ vỡ nên tôi cứ sống hoài trong vỏ bọc của mình, dần dần tôi trở thành kẻ hèn nhát từ khi nào không hay. Tôi sợ bộc lộ ra con người thật với những khuyết điểm của nó.
Dẫu rằng lộ ra những khuyết điểm đôi khi là điều cần thiết và hữu ích cho tôi. Bởi vì khi “lộ” ra những khuyết điểm như vậy có thể làm tôi phải “quê” nhưng đó là cơ hội tốt để tôi có thể được cọ xát, được sửa dạy, từ đó tôi sẽ ít “góc cạnh” hơn và “tròn chịa” hơn.
Tôi sợ tương quan bị đổ vỡ nên nhiều khi tôi sống trong tình trạng “bằng mặt mà không bằng lòng”. Tôi như một quả bom nổ chậm, nó sẽ rất nguy hiểm cho tôi và cho những ai tiếp xúc với tôi.
Hôm nay, bắt đầu từ đây, tôi phải biến đổi con người mình. Nhưng tôi phải làm gì và bắt đầu từ đâu?
Tôi phải biến đổi để nên giống Giê-su hơn. Vì Giê-su của tôi không sợ hãi thế lực làm hại mình, và làm hại đàn chiên Chúa Cha đã giao phó cho mình. Giê-su không im lặng trước bất công. Giê-su không ba phải, không che dấu con người thật của mình.
Trái lại, Giê-su đã can đảm lên tiếng khi lương tâm đòi buộc Người phải lên tiếng. Giê-su rất nhất quán con người của mình. Vậy nên, tôi phải bắt đầu từ chính con người thật của mình.
Tôi sẽ không chối bỏ những điều làm tôi trở nên “bại liệt”. tôi phải vác chúng như anh chàng bại liệt được Chúa chữa lành trong Tin Mừng khi Chúa nói với anh ta: “đứng dậy vác chõng mà về!”

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét