29 thg 4, 2013

Lạ mà quen, quen là lạ …


MỘT KINH NGHIỆM CÁ NHÂN VỚI KINH LẠY CHA
Anthony Thịnh SVD
Nhiều lần tôi suy nghĩ về Kinh Lạy Cha, nghĩ về ý nghĩa và sự cần thiết của lời kinh mà chính Chúa Giêsu đã dạy cho các Tồng đồ cầu nguyện với Chúa Cha, và Ngài còn dạy cho riêng tôi nữa.
Nhưng thú thật, tôi thấy khó quá!
Làm sao tôi có thể gọi Thiên Chúa là Cha được, khi chưa một lần giáp mặt với Ngài, chưa bao giờ thấy được dáng dấp của Ngài dù chỉ là hình ảnh hay tranh vẽ. Thiên Chúa chỉ ở trong trí của tôi chứ nào có gì bên ngoài để tôi có chút cảm nhận.
Mà nếu có cảm nhận được chút cảm giác gì về tình Cha con thì cũng trầy vi tróc vẫy chứ không đơn giản chút nào. Bởi vì Thiên Chúa không phải là một Đức Giêsu lịch sử có xương có thịt, có lý lịch hẳn hoi như tôi được biết, để tôi có thể hình dung ra được phần nào.

Chính vì thế mà miệng đọc “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” nhưng lòng tôi thực sự không chút cảm giác Cha con. Thế nên, cho dù tôi có đọc cả ngàn lần Kinh Lạy Cha trong một ngày cũng chẳng ích lợi gì.
Đây là khó khăn đầu tiên khi tôi gọi Thiên Chúa là Cha của tôi.
Tìm trong cuốn Từ Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học xuất bản năm 2001 thì người ta cho rằng “Cha với Ba” là một, đây là danh từ dùng để gọi, để xưng hô. Với tôi, trong gia đình, tôi gọi người sinh ra tôi là Ba là Má chứ không gọi là Cha là Mẹ.
Một lần kia, Má tôi dạy rằng: “làm con thì phải nghe lời Ba Má, còn muốn làm “Cha” thì tới nhà thờ. Tôi chỉ biết “Cha” ở nhà thờ, chứ trong gia đình tôi không có khái niệm “Cha”.
Chính vì vậy mà danh từ “Cha” trong tôi cũng không có cảm giác gần gũi cho lắm. Tôi cũng thường nghe bạn bè hay hàng xóm gọi người thân trong gia đình họ là cha, nhưng đó là ngôn từ của họ, tâm tình của họ, nó chẳng tác động gì đến tôi.
Thời gian trôi qua, nhờ vào lời cầu nguyện, cũng như học hỏi trong sách vỡ và nơi các bậc tiền bối, tôi quen dần với danh từ “Cha”. Đến hôm nay, trong những giờ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, tôi có được chút tình Cha con gần gũi hơn, thân tình hơn để trò chuyện.
Suy nghĩ một chút về Kinh Lạy Cha, tôi thấy không phải dễ để có cảm giác Cha con.
Tuy nhiên, cũng có những lúc Kinh Lạy Cha tác động đến cá nhân tôi một cách sốt sắng, đến mức nó làm giảm nhịp độ hoặc ngừng hẳn việc đọc kinh để suy nghĩ và cầu nguyện với Thiên Chúa cách chân thành. Những lúc ấy tôi thấy mình là người con bé bỏng thực sự trong sự chở che đầy quyền năng của Thiên Chúa là Cha.
Tôi ý thức được ý nghĩa của lời kinh, đâu là phần chúc tụng, tôn vinh, tạ ơn và cầu xin. Nhưng thi thoảng tôi thấy chỉ là sự ý thức với lời kinh mình đọc thì cũng chưa đủ.
Điều mà tôi mong muốn và cầu xin là làm sao để khi miệng tôi đọc “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” thì lòng tôi có được cảm giác Cha con thực sự, chỉ bấy nhiêu là đủ đối với tôi rồi.
Tôi biết Thiên Chúa là người Cha luôn yêu thương và tha thứ, cho dẫu tôi có thế nào đi nữa, Ngài vẫn yêu thương tôi. Tình yêu của Thiên Chúa mà tôi gọi là Cha của tôi vượt xa tình yêu của Ba tôi.
Thế mà tìm chút cảm giác Cha con sao mà khó quá!
Có những lúc tôi thấy danh từ “Cha” quen lắm, gần lắm, tâm tình lắm. Đó là lúc miệng tôi đọc, lòng tôi suy, và con tim tôi cảm nhận được tình Cha con qua lời kinh tôi đọc. Nhưng cũng không thiếu những lúc lời Kinh Lạy Cha trở nên lạ lẫm, nhạt nhẽo và vô hồn.
Đó chính là lúc tôi miệng tôi đọc mà lòng tôi đang dạo phố. Tôi đọc với hết công lực cho xong càng sớm càng tốt. Lời Kinh Lạy Cha nghe quen lắm, nhưng thực sự nó lạ quá, bởi nó không để lại trong tôi chút cảm giác gì sau khi đọc.
Nhưng cũng có lúc lời kinh ấy nghe lạ quá, nhưng thực sự nó rất quen thuộc, gần gũi và thân tình nữa, vì nó để lại trong tim tôi cảm giác Cha con thực sự. “Lạ Mà Quen, Quen Mà Lạ” là như thế ấy.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét