13 thg 5, 2013

Lời dặn dò trước lúc đi xa


Peter Nguyen SVD
 Trước lúc đi xa, hoặc trong khi hấp hối, ai đã một lần chứng kiến “phút thì thào” của người sắp “ra đi” mới thấu cảm tình thương muốn trao gửi cho người tn ở lại. Với những lời khuyên tha thiết, họ ước mong con cháu hãy cố gắng sống hòa thuận yêu thương nhau.
Lời dặn dò ấy xuất phát từ đáy lòng thẳm sâu của người biết mình sẽ ra đi, ra đi lần cuối mà không hẹn ngày đoàn tụ ở trần gian. Vì thế, những ai đã lắng nghe lời ‘hấp hối’ ấy càng phải ‘khắc cốt, ghi tâm’ để cố gắng thực hiện cho được.
Tin mừng Thứ Tư đã trình bày những lời tâm huyết của Thầy Giêsu trước khi về với Chúa Cha: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35). Với lời dạy của Đức Giêsu, chúng ta cùng nhau tìm hiểu hạn từ: “Điều răn”.
Từ ngữ
“Điều răn” hoặc “Mệnh lệnh” trong tiếng Do thái: “Mişw”; tiếng Hy lạp: “Entolç”; tiếng Anh: “Command” hoặc “Commandment” (Joel B. Green, Scot McKnight, I. Howard Marshell, Dictionary of Jesus and the Gospels (InterVarsity Press: England), p. 132.). Trong Tân Ước, hạn từ: “Entolç” xuất hiện 67 lần, mang tính chất “khuyên răn” gần nghĩa với những hạn từ có trong ba câu Thánh Kinh sau đây:

“Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè” (Lc 15,29).
“Anh Aríttakhô, bạn tù với tôi, gửi lời chào anh em. Anh Marcô, em họ ông Banaba, cũng gửi lời chào anh em; anh em đã nhận được những chỉ thị về anh ấy; nếu anh ấy đến với anh em, thì hãy tiếp đón anh ấy” (Col 4,10).
“Lời chứng đó là thật. Vì lý do ấy, anh hãy nghiêm khắc sửa dạy họ, để họ có một đức tin lành mạnh, không còn chú ý đến những chuyện hoang đường của người Do thái và những điều răn dạy của những con người đã quay lưng lại với chân lý” (Tit 1,13-14).
Hạn từ “Điều răn” trong Tin mừng Gioan
“Entolç” được Tin mừng Gioan sử dụng 10 lần: 4 lần đề cập đến tính chất “Mệnh lệnh”; “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (Ga 10,18);
“Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi” (Ga 12,49-50); “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34); “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).
Điệp từ “các Điều răn” được sử dụng 5 lần: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15,10); “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy” (Ga 14,15.21a).
Động từ “Entellomai” (Truyền dạy) cũng nằm trong ý nghĩa đó: “Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 14,31); “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Điều Thầy truyền dạy cho anh em là hãy yêu thương nhau” (Ga 15,14.17).
Động từ “Ra lệnh” được sử dụng 1 lần: “Còn các thượng tế và Pharisiêu thì ra lệnh: ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt” (Ga 11,57).
Không nơi nào trong Tin mừng Gioan sử dụng động từ “Entolç” với tính chất “mệnh lệnh-bắt buộc” như trong Thánh Kinh Do thái Giáo, nhưng động từ “Entellomai” chỉ được sử dụng trong (Ga 8,5) để chỉ tính chất bắt buộc hay mệnh lệnh: “Trong Sách Luật, ông Môisê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó”. (Đoạn này không thuộc Tin mừng Gioan, nhưng là sách (Ds 5,12 tt; Đnl 22,23).
Quan điểm về “những Giới răn” trong Tin mừng Gioan không giống với Thập giới trong Cựu ước, nhưng là một lời mời gọi của Chúa Cha sai Con Một Giêsu đến với trần gian: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (Ga 10,17.18b).
Trong Tin mừng Gioan, tác giả hoán đổi vị trí của hạn từ “Điều răn” cũng thật linh động: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Điều Thầy truyền dạy cho anh em là hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34-15,12.17).
Trong những lời tạm biệt, Đức Giêsu đã nhấn mạnh cho các tông đồ nhận ra tương quan thân mật giữa Chúa Cha-Chúa Con và các ông: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15,10).
Đó là “Mệnh lệnh” Đức Giêsu đã nhận được từ Chúa Cha, cho nên các tông đồ càng phải trung thành và tuân giữ Lời của Thiên Chúa. Đối với Đức Giêsu, “Mệnh lệnh” ở đây không mang tính ‘bắt buộc’ cho bằng những lời “khuyên bảo” “nên chăng”, nhằm mời gọi các ông trung thành với giáo huấn của Chúa Cha đã dạy qua Đức Giêsu: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Điều Thầy truyền dạy cho anh em là hãy yêu thương nhau” (Ga 15,14.17). Một khi trở thành bạn thân với Đức Giêsu, Ngài muốn các ông cần phải vượt qua rào cản mang tính “cha-chú” hoặc “thầy dạy-trò học”.
Thật vậy, thánh sử Gioan đã hoàn tất ý tưởng “lời dạy yêu thương” nơi Tin mừng Nhất lãm đã đưa ra. Trong Matthêu, sau khi Phục sinh, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,18-20).
Như thế, lời dặn dò lúc chia tay của Đức Giêsu trong Tin mừng Gioan, trước đây cũng là lời vang vọng thiết tha trong Matthêu. Vì sứ vụ rao giảng Tin mừng chính là thể hiện tình yêu thương đối với anh chị em đồng loại, là điều cốt thiết nhất cho tất cả mọi Kitô hữu.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét