Cỏ Úa
Thấm thía, một từ tôi nghĩ nhiều nhất trong thời gian tĩnh
tâm này. Vậy, điều gì khiến tôi trăn trở đến thế? Có phải một rung động nào đó
đã giúp tôi bừng tỉnh và thấy được một sự thôi thúc nào không?
Không phải, cú hích đó dường như rất đỗi quen
thuộc đối với tôi trong sinh hoạt và gần nhất là trong chính môn học của tôi
trên học viện về một thứ nhân đức. Nhân đức ấy là nhân
đức tiết độ.
Khi mới bước vào con đường tập tu, tôi rất
thường xuyên được đón nhận lời nhắc nhở rằng, con phải biết chiến đấu để chống
chọi lại các đòi hỏi, lôi cuốn của thú vui bất chính, đam mê xác thịt, của cải
trái nghịch với đức công bằng và luân lý… nhằm mục đích là làm đẹp lòng Chúa.
Và những lời đó luôn đi sát với tôi trong
hành trình ơn gọi làm tông đồ của Chúa. Nhưng thực tế cuộc sống lại chứng minh
điều ngược lại, những lúc tôi nhớ và sâu sắc trong tâm tưởng về nhân đức kia
tốt thế nào thì việc làm của tôi lại không tương xứng chừng ấy.
Nghĩa là tôi không có nhiều động lực để chiến
đấu, không có hy sinh để dừng lại và không biết cầm lòng để từ bỏ. Tôi chẳng
biết ma lực nào đáng sợ cứ khiến tôi chạy theo những đam mê đó. Tôi tìm mọi
cách, đôi khi có cả thủ đoạn để kiếm được cho mình một sự thoải mái cho thể
xác, một sự no đủ trong vật chất và cả thú vui không tốt cho đời tu nữa.
Sau những lần như thế, tôi luôn biết đặt mình
vào môt sự hoán cải, thay đổi và từ bỏ. Tôi thường đưa ra nhiều bài tập hãm
mình hòng đối phó trước cám dỗ, đồng thời không ngừng cầu nguyện cùng Chúa xin
ơn lành và sức mạnh nơi Ngài nhằm thăng tiến hơn trong bước đường này.
Và quả thật, tôi đã trưởng thành và dần dần
gặt hái nhiều ơn nghĩa cùng Chúa. Nhiều lần tôi sung sướng, thấy hạnh phúc tột
cùng khi biết từ bỏ một đam mê, khi biết chống trả lại đòi hỏi bất chính của
thể xác hay khi biết tỉnh táo nhận ra những mầm móng không tốt đang đâm chồi.
Tôi đã sống với hạnh phúc đó và thấy bình an vô cùng.
Nhưng sự cám dỗ của thế gian này đâu chỉ có
thế. Khi biết tôi đã tỉnh thức hơn, sự cám dỗ cũ không còn thường xuyên xuất
hiện, nhưng một kiểu cám dỗ khác tinh vi hơn đã khiến tôi chao đảo rất nhiều.
Đó là một thứ cám dỗ làm việc thiện. Nghe qua
thì nhiều người sẽ thắc mắc, việc thiện cũng là một sự cám dỗ sao? Thưa, đúng
vậy. Nói chính xác là đến hôm nay, tôi mới thực sự nhận thức ra, dù trước đó,
không ít lần tôi nghe người ta bàn tán về vấn đề này.
Trong khoảng gần một năm trở lại đây, tôi hay
có thói quen tìm và nâng đỡ những mảnh đời khó khăn, lận đận và bi thương trong
cuộc sống. Tôi đến với họ trước hết là sự chia sẻ và đồng hành, kế đó là bằng
những món quà nho nhỏ, vừa túi tiền của mình.
Rồi mối quan hệ của tôi cũng nhiều lên, sự
chia sẻ bằng tinh thần thì vẫn như trước, nhưng chia sẻ bằng vật chất vì thế mà
thêm tốn kém, khả năng của tôi thì có giới hạn. Biết làm thế nào bây giờ, trong
tình huống như vậy, tôi tìm đến những người quen, bạn bè để tìm sự chia sẻ.
Mới đầu thì họ cũng sẵn lòng, không tính toán
và lo ngại. Nhưng thời gian sau thì họ không còn mặn mà nữa. Điều đó khiến tôi
cũng gặp không ít khó khăn và đôi lúc tôi muốn từ bỏ công việc này, nhưng tôi
tự nhủ rằng mình bỏ thì không đành, nên cứ đến và chia sẻ bằng tinh thần thôi
là tốt rồi.
Quả thật không đơn giản, đối diện với thực
cảnh và khó khăn của họ, tôi không kiềm được lòng và lại cố gắng tìm cách nào
đó để có được vật chất hòng xoa dịu những lo lắng cho họ. Và thế là tôi đã đi
vào một sự cám dỗ, một sự cám dỗ khiến tôi mất đi tâm tình trong kinh nguyện vì
lo lắng kia, đồng thời tôi không thật sự biết phó thác vào quyền năng của Chúa.
Những mảnh đời kia nếu không có tôi thì họ sẽ
chết hay bất hạnh hơn chăng? Tôi tin rằng họ sẽ luôn có Chúa ở cùng. Vậy thì
tôi cần gì phải bận rộn mà quên đi nghĩa vụ chính đáng của mình?
Một câu tự vấn khiến tôi tỉnh táo hơn, minh
mẫn hơn để nhận ra đâu là việc làm đích thực trong hành trình theo Chúa vào
thời gian này. Biết dừng lại khi có thể, biết từ bỏ khi thấy nó không hợp với
ơn gọi truyền giáo, và biết chống trả lại những thách đố đang làm phương hại đến
sự hy sinh khó nghèo của mình.
Ước gì với quyết tâm này, tôi sẽ cụ thể hóa
trong thực tế cuộc sống bằng cả tấm lòng để đạt được mục đích tối hậu là làm
đẹp lòng Chúa trong mọi sự. Tất nhiên tôi sẽ không từ bỏ việc mục vụ này nhưng
tôi sẽ làm với điều đó theo một cách thông minh, khôn khéo và gần gũi hơn, chứ
không phải tìm mọi cách để kiếm cho được của cải vật chất mà mang đến cho họ.
Tôi cần mang cho họ nhiều tình thương, sự chia sẻ, đồng cảm
và làm sao họ thấy ở nơi tôi một niềm xác tín vài Thiên Chúa để họ biết mở lòng
ra đón Chúa vào lòng. Tôi tin như vậy là phương cách tốt nhất và hợp lý trong
lúc này.
◊
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét