5 thg 6, 2013

KINH LẠY CHA - Một cảm nghiệm riêng

Samuel SVD
Kinh Lạy Cha” (Mt 6,9-13) là lời kinh mà tôi đọc thường xuyên, có lẽ trở nên như một quán tính, một phản xạ có điều kiện khi bóng đêm ập đến trong cô quạnh, heo hút, khi cơn cám dỗ ấp đến; nhất là khi đối mặt với những thử thách hiểm nguy bất chợt.
Và “Kinh Lạy Cha” cũng là lời ca tụng tạ ơn Thiên Chúa khi tôi gặt hái những thành công.
Đối với tôi, Thiên Chúa Cha là Đấng toàn năng và hằng hữu. Trước tiên tôi tìm kiếm Ngài trong công trình của Ba Ngôi: Chúa Cha tạo dựng trời đất muôn loài muôn vật, Chúa Con cứu chuộc, Chúa Thánh Thần thánh hóa. Đây là bài học giáo lý từ thuở bé về Thiên Chúa Ba Ngôi và ghi dấu ấn trong tôi cách đặt biệt, vẫn còn mồn một câu hỏi, câu thưa cho đến 30 năm nay.
Nhìn xem vũ trụ và trật tự lạ lùng trong nó, tôi tin chắc có một Đấng tạo dựng mọi sự và cài đặt cho vũ trụ này một chương trình vận hành sao cho tất cả tuân theo một quỹ đạo, một trật tự hợp lý và chính xác đến mức độ siêu nguyên tử. Dẫu khoa học loài người có tài giỏi đến đâu cũng không thể chính xác được như thế.

Hay nhìn vào một đơn vị sự sống bé nhỏ hơn là tế bào, một bộ máy vi sinh hoạt động và chuyển hóa năng lượng cách kỳ diệu, toàn bộ cơ thể thụ tạo nói chung thực vật và động vật đều được cấu tạo từ các tế bào, chẳng hạn: tế bào da, tế bào mắt, tế bào tóc... Khoa học càng phát triển thì càng làm cho con người nhận thức rằng có một Đấng tạo hóa khôn ngoan, thông thái và quyền năng đã tạo dựng nên vạn vật.
Hay nhìn vào chính bản thân con người tôi cũng là một tiểu vũ trụ với kim mộc thủy hỏa thổ, với đủ loại nguyên tố và hợp chất hóa học từ vô cơ cho đến hữu cơ. Hơn thế nữa, con người là một thọ tạo cao qúy mà Thiên Chúa dựng nên trong muôn vàn thọ tạo:
“Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8,6-7).
Thiên Chúa tạo dựng nên con người theo hình ảnh Thiên Chúa, ban cho con người có linh hồn, tức là ý chí và tự do để chọn lựa cái tốt và cái xấu, giữa bóng tối và ánh sáng, hầu từ đó thăng tiến bản thân và trưởng thành các nhân đức.
Tuy nhiên con người đầu tiên - tổ tông loài người đã phạm tội vì lạm dụng tự do để chọn điều xấu, điều dữ trước mặt Đức Chúa. Thế rồi tội lỗi, sự dữ sinh sôi và lan tràn. Rồi đến một ngày Đấng Cứu Thế đã đến, Ngài là Chúa Con, là Lời cứu độ của Chúa Cha để ai tin vào Ngài thì được sống trong tình nghĩa tử mà Đức Giêsu đã đỗ máu mình ra để chuộc lại cho con người sự sống đời đời, sự sống thiêng liêng, sự sống tự do khỏi ách nô lệ tội lỗi.
Công trình của Đức Giêsu vẫn còn tiếp tục mời gọi chúng ta cộng tác “trong những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24), chúng ta được mời gọi tiếp tục cộng tác vào công trình của Đức Kitô qua những đau khổ, những thử thách, những cám dỗ vật chất tiện nghi hiện đại, thậm chí là những cám dỗ bản năng mỗi người.
Tuy nhiên thực hiện lời mời gọi ấy không phải là điều dễ dàng, thánh Phaolô trong “cuộc chiến đấu nội tâm” đã thốt lên: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Lắm lúc, tôi tưởng chừng con người mỏng dòn và yếu đuối như tổ tông xưa, khó mà vượt qua những cám dỗ.  
Nhưng Kỳ diệu thay, Đức Giêsu đã đến thế gian trong thân phận con người và công trình của Ngài chứng minh rằng: khả năng con người có thể vượt qua tội lỗi, có thể chiến thắng thế lực ác thần thù địch thông qua tỉnh thức và cầu nguyện: “Giống quỷ này không chịu ra, nếu người ta không ăn chay cầu nguyện” (Mt 17,21), các con hãy tỉnh thức cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ” (Mt 26,41), hầu tuân phục theo thánh ý Thiên Chúa chứ không theo ý riêng: “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,10).
Một điều người viết không thể phũ nhận rằng: hình thức cám dỗ ngày nay của thế lực ác tà cũng rất đa dạng, không ghớm ghiết như bộ mặt dữ dằn của nó. Sự dữ trong xã hội hiện đại núp bóng dưới chủ nghĩa tự do thế tục, sự dữ được cơ chế hóa: đạo luật một số quốc gia cho phép tự do phá thai, tự do luyến ái, tự do truyền sinh; phương tiện truyền thông phần nào cũng khuyếch trương chủ nghĩa đó trên phương diện toàn cầu, đúng là tà khí sự dữ đã và đang lan tràn.
Tuy thế, chúng ta cũng không quá hoang mang trước vấn nạn đó, vì khi về trời Đức Giêsu đã hứa ban Thần Khí của Đấng Phục Sinh để dẫn dắt Giáo Hội và các tín hữu, chúng ta tin tưởng và kêu xin Thần Khí sự thật, Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta thoát khỏi ách mê lầm tội lỗi.
Cuối cùng, Thiên Chúa không ép buộc con người phải trở nên thế này hay thế kia như một ông chủ hay một quan án hà khắc. Nhưng Thiên Chúa hành động như một người cha hay người mẹ nhân hiền, tôn trọng tự do và chọn lựa của con mình (theo cách hiểu loại suy của con người).
Vì lẽ đó, tôi tìm kiếm Chúa Cha ngay trong chính gia đình mình, nơi ông bà và cha mẹ. May mắn thay tôi được sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, các thành viên trong gia đình quan tâm yêu thương và chăm sóc nhau. Do đó khi nói Thiên Chúa là Cha, là Mẹ, tôi có một cảm giác thật gần gũi, yêu mến và được nâng niu.
Trong dụ ngôn “người Cha nhân hậu” theo trình thuật của thánh Luca (15,11-32), Đức Giêsu mô tả Chúa Cha với vị thế của người cha (chia gia tài); nhưng tình cảm, sự chăm sóc và quan tâm thì giống người mẹ nhiều hơn (ngày ngày từ xa trông ngóng đứa con lầm lạc trở về, khi người con này trở về thì chạnh lòng thương chạy ra ôm cổ và hôn anh thắm thiết, rồi xỏ nhẫn vào tay, xỏ dép vào chân, mặc áo đẹp, giết con bê đã được vỗ béo để mở tiệc ăn mừng).
Vì vậy, đứa con nào càng tội lỗi thì Thiên Chúa càng quan tâm, càng yêu thương nhiều hơn: “người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mc 2,17).
Công trình Ba Ngôi hẳn là một mầu nhiệm cho thế giới, và càng mầu nhiệm hơn đối với người tội lỗi biết ăn năn sám hối vì lòng yêu thương, từ bi và nhân hậu của Thiên Chúa. Bản thân tôi nguyện xin suốt đời được sống mầu nhiệm ấy trong thế giới ngày nay vốn phức tạp và ôn ào.
Tôi sẽ không lo sợ, không hoang mang trước những biến động của nó. Vì như thánh Phaolô đã nói “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội”(Rm 5,20). Thay vì nghĩ về thế giới ngày nay càng tội lỗi hơn ngày xưa, thì tôi phải hiểu một cách tích cực rằng ân sủng sự tha thứ của Thiên Chúa càng chan chứa.
Và Thần Khí sự thật sẽ hướng dẫn chúng ta chiến thắng tội lỗi thế gian cho những ai biết tỉnh thức phải lúc và hằng cầu nguyện với Đấng là con đường, là sự thật, là sự sống, và qua Ngài để đến với Chúa Cha: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.” (Ga 14,6-7).


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét