23 thg 9, 2013

Luật cha xứ

Pière A-Thọt SVD
 Dân gian thường nói: người khôn cũng chết, người dại cũng chết và chỉ người “biết” thì sống. Không biết trong thực tế, câu châm ngôn này đúng tuyệt đối đến đâu nhưng với tôi, phần nào nó cũng giúp tôi “sống” được qua khoản thời gian mục vụ tuy ngắn ngủi. Đồng thời, nó cũng giúp tôi thâu nhặt thêm chút hành trang làm vốn sống cho mình.
Ở giảng đường, tôi được học biết chỉ có Giáo luật (luật Giáo hội), luật riêng của từng HĐGM và quy định của riêng mỗi giáo phận. Khi ra xứ mục vụ, tôi được biết thêm một loại luật nữa: luật của cha xứ. Và, luật của cha xứ lại áp dụng khác với những điều luật trên kia mới là vấn đề đáng nói.
Thế nhưng biết sao bây giờ khi lý luận rằng “đất có thổ công, sông có hà bá”? Thôi đành chấp nhận “thổ công” hay “hà bá” trên đất mình đang đứng cho xong chuyện. Còn đúng, sai thế nào thì “hạ hồi phân giải”.

Đến một giáo xứ mà sự hiệp nhất đang bị phá vỡ. Giáo dân chia thành hai phe cánh: cánh ủng hộ và cánh chống đối cha xứ, thì xin hỏi cần hỏi cần đứng trung lập hay nghiêng bên nào? Hay nên nghiêng theo chiều gió? Đây là lúc hơn bao giờ hết bạn cần vận dụng cái “biết” để mà sống chứ không thì chết không kịp ngáp, chết trước khi phải chết …
Tôi nên phản ứng thế nào khi không bao giờ thấy một linh mục coi xứ đọc Kinh thần vụ và bạn biết chắc là ngài không giữ các giờ kinh? Tôi nên nghĩ gì khi một cha xứ không hề vào nhà thờ viếng Thánh Thể trừ khi vào nhà thờ để cử hành thánh lễ?
Thôi thì hãy nghĩ đó là chuyện cá nhân giữa họ với Chúa và mọi sự cứ phó thác cho lòng thương xót Chúa. Còn ta, ta cứ lo chu toàn bổn phận của mình cho thật tốt.
Nếu là một phó tế và có thể phải giảng lời Chúa trong thánh lễ, tôi nên phản ứng thế nào khi “sếp” có thể nói tôi giảng bất cứ khi nào, mà không cho một khoản thời gian chuẩn bị, với lý do là tu sĩ ngày nào chúng ta cũng suy niệm lời Chúa?
Trước tình huống này thì tôi không còn im lặng nữa, mà phải nói lên quan điểm của mình. Suy niệm là chuyện cá nhân tôi với Chúa. Giảng trong thánh lễ là chia sẻ cho người khác biết ý nghĩa mà lời Chúa muốn nói để qua đó họ sống sát với Tin mừng hơn.
Thế thì phải nhắm đến lợi ích của cộng đoàn mà mình cần có sự chuẩn bị chu đáo chứ không thể muốn nói gì thì nói rồi bảo “ai có tai để nghe thì nghe” được. Vậy là từ đó, tôi cũng được thông báo một “thời khóa biểu” cho các thánh lễ mà mình có trách nhiệm chia sẻ lời Chúa.
Điều tôi nhận thấy phức tạp nhất trong công tác mục vụ giáo xứ chính là lĩnh vực mục vụ hôn nhân gia đình. Trong hoàn cảnh của cuộc sống hôm nay ngày càng có nhiều bạn trẻ theo đạo vì lý do lập gia đình. Do đó, để liên hệ công việc này cho con cái đòi hỏi cha mẹ và gia đình hai bên phải trực tiếp liên hệ với cha xứ.
Đây là vấn đề khá tế nhị, bởi cách hành xử của các vị mục tử có thể nói để lại cho những lương dân hay người của các tôn giáo bạn sự thiện cảm, hay như một phản chứng của Tin mừng. Rất buồn khi ngày nay, không ít các mục tử vẫn hành xử theo “cơ chế xin – cho” hay theo cung cách “ông trời con” của mình.
Cuối cùng, sau 40 ngày “chay thánh” của mùa hè đặc biệt này, điều mà tôi còn thắc mắc cho đến giờ này đó là vấn đề mục vụ nơi một giáo xứ truyền giáo. Với một giáo xứ truyền giáo, có quan điểm cho rằng cần phải thật khắc khe trong mục vụ, nhất là lĩnh vực hôn nhân gia đình.
Tuy nhiên, có quan điểm ngược lại bởi cho rằng, nếu quá khó thì người ta sẽ bỏ đạo. Vậy đâu là giải pháp thích hợp trong khía cạnh mục vụ nơi một xứ truyền giáo? Xin các nhà truyền giáo tương lai cùng góp ý.
<


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét