23 thg 9, 2013

Tiền là phương tiện hay mục đích?

CHÚA NHẬT 25 TN
Deacon Nhà Tiền Lê, SVD
Có người bảo với tôi thế này: “có tiền là có tất cả. Tiền mua được mọi thứ, chỉ trừ ơn cứu độ”. Trong cuộc sống không ai không biết đến những lợi ích và tác hại của đồng tiền. Người đời thường bảo: “có tiền mua tiên cũng được”. Nhưng mặt trái của đồng tiền là làm cho người ta suy thoái đạo đức, nhân cách, thậm chí đi đến chỗ táng tận lương tâm, khiến cho bao người phải đảo điên, sa cơ lỡ vận, dứt tình đoạn nghĩa với cả anh em ruột thịt máu mũ và đôi khi phải trả giá bằng cả mạng người.
Hôm nay tôi muốn mời gọi quý ông bà và anh chị em lắng nghe và suy tư một chút về thái độ của Chúa Giêsu trước vấn đề tiền bạc. Chúa Giêsu muốn nói gì với chúng ta qua dụ ngôn: người quản gia bất lương?
Tôi muốn gọi người quản gia trong dụ ngôn là tên lưu manh gặp thời. Bởi lý do hắn đã biết xoay xở tình thế chuyển bại thành thắng một cách rất ngoạn mục. Vì lý do này mà hắn đã được ông chủ khen là khôn khéo.
Trước hết có một vấn đề hơi lấn cấn ở nơi tên quản gia này: hắn là một tên quản gia bất lương, vì sau hành động thông đồng với các con nợ để gian lận tài sản của ông chủ, bỏng nhiên hắn lại được khen là: “Người quản gia này đã hành động cách khôn khéo” (Lc 16,8)?

Vậy, tính bất lương của hắn là ở đâu và tại sao hắn hành động gian trá như thế vẫn được ông chủ khen? Hắn là một người nhanh nhạy, thức thời đã hành động đúng lúc, tức là xử trí công việc khi còn quyền hành trong tay để từ chỗ bất lợi đi đến chỗ có lợi cho hắn.
Tính bất lương không hệ tại ở việc hắn lạm dụng quyền lực để đưa mình ra khỏi tình thế bất lợi và tạo đà cho tương lai một cách tốt hơn, nhưng hệ tại ở chỗ hắn đã lợi dụng tài sản của ông chủ để phục vụ cho lợi ích cá nhân của mình.
Điều mà ông chủ khen hắn là tính nhanh nhẹn, thông minh, thức thời biết xoay chuyển tình thế. Chỉ với hành động cho phép các con nợ ghi sổ một cách gian lận, hắn tìm được đồng minh, khiến các con nợ phải mang ơn hắn, đồng thời làm cho các con nợ phải liên lụy về hành động gian dối của hắn.
Như thế cùng một lúc hắn đã hóa giải được cả những lầm lỗi mà hắn đã gây ra trước đó: “phung phí tài sản của chủ”. Khi phân tích những đặc điểm đó chúng ta nhận ra tính xảo quyệt, láu cá của tên quản gia này.
Thiết nghĩ không ai trong chúng ta có thể thỏa hiệp với hắn về những hành động trơ trẽn như vậy. Chúng ta lên án và không bao giờ đồng tình với sự gian dối của người quản gia bất lương này. Chúng ta hoàn toàn không muốn liên hệ với hắn vì sự xấu xa đê tiện mà hắn đã hành xử với ông chủ của hắn. Thế nhưng hắn là ai?
Người quản gia bất lương đó là ai?
Điểm độc đáo của bài Tin mừng là không cung cấp một cách cụ thể chính xác về nhân thân, tên tuổi của người quản lý bất lương và ông chủ. Chính điều này khiến cho tất cả những ai đọc hay nghe bài Tin Mừng ở bất cứ thời đại nào cũng phải đặt vấn nạn: người quản gia đó là ai? Là ông, là bà, là anh, là chị hay là chính tôi?
Thông thường khi nghe lời Chúa, nhất là nghe các câu chuyện, các dụ ngôn trong Tin Mừng chúng ta thường bị cám dỗ và có cảm tưởng đó là chuyện cổ tích, chuyện sách vở, chuyện của ngày xưa, chuyện của người khác, chứ không liên quan gì tới mình. Nhưng xin đừng quên rằng Tin mừng là áp dụng cho tất cả mọi người, ở mọi thời đại.
Vì thế, khi liên hệ tới những đặc điểm, tính chất trùng khớp với người quản gia trong bài Tin mừng thì mỗi người chúng ta sẽ tự biết ai là người quản lý mà Chúa Giêsu đang nói đến hôm nay là ai.
Hôm lễ phong chức linh mục cho các thầy phó tế trong tỉnh dòng Ngôi Lời Giuse Việt Nam, tại nhà thờ Chí Hòa ngày 29.08.2013 vừa qua, xảy ra câu chuyện thế này: hôm đó tôi làm trong ban khánh tiết, trong khi chuẩn bị chỗ ngồi và đón tiếp khách ở khu vực ngoài nhà thờ, thì có một anh thanh niên đến xin xưng tội. Tôi chỉ cho anh ta qua gặp các cha ở nhà hưu Chí Hòa để xưng tội (vì tôi chỉ là thầy sáu).
Anh ta nói: nhưng con cần gặp cha giải tội trước khi vào tòa,vì có nhiều vấn đề lương tâm cần phải giải quyết. Tôi hẹn gặp anh cuối tuần (Vì hôm đó là thứ 4). Chiều thứ 6, anh đến gặp một linh mục (Do tôi sắp xếp) chuyên về những trường hợp như anh. Sau khi gặp linh mục, anh đến chia sẻ với tôi về tình trạng của anh. Bỏ đạo gần 9 năm.
Vì cuộc sống, muốn nhanh có tiền, ra trường anh về quê (Thái bình) lừa lộc bố mẹ lấy được một ít vốn vào Sài Gòn đầu tư vào bất động sản. Nhờ năng động, tinh vi, khôn khéo anh không chỉ phất lên giàu có rất nhanh mà còn quan hệ quen biết nhiều người, nhất là những người có chức quyền địa vị. Vì thế anh đã thắng lớn trong các vụ kiện cáo về nhà đất.
Nhiều lần sự thắng thế của anh trong các vụ kiện đã khiến cho nhiều người phải sa cơ thất thế, thậm chí có một số người đã phải bức tử. Giờ đây, khi bác sỹ báo kết quả bệnh án là u tủy cột sống giai đoạn cuối, anh tìm đến để giải quyết vấn đề lương tâm và anh muốn được làm từ thiện để bù lại những lỗi lầm và sai phạm mà anh đã ra trước đây. Đây là câu chuyện của thời nay.
Chúng ta thấy anh chàng này có một vài đặc tính như tên quản gia trong bài Tin mừng mà chúng ta vừa phân tích trên đây. Anh ta bất lương với những người khác, thậm chí bất hiếu với cha mẹ chỉ vì lợi ích cá nhân của anh ta.
Anh ta cũng rất nhanh nhẹn, biết xoay chuyển tình thế, nhất là khi nhận ra Chúa đang thức tỉnh mình bằng căn bệnh nan y. Anh đã phản tĩnh kịp thời bằng sự ăn năn hối lỗi trở về với bí tích Hòa giải.
Điểm đặc biệt của bài Tin mừng hôm nay là sau khi đưa ra dụ ngôn về người quản gia bất lương, Chúa Giêsu đã đề cập đến những bài học hết sức căn bản về thái độ cần có đối với tiền bạc:
Thông qua thái độ và cách cư xử của người quản gia đối với tiền bạc Đức Giêsu nhận định: “Con cái đời này khôn khéo với đồng loại hơn con cái ánh sáng” (Lc 16,8). Đây là một trong những nhận định mấu chốt của bài Tin Mừng.
Ở đây Chúa Giêsu? (ông chủ) không khen tính bất lương, xảo quyệt của tên quản lý, nhưng là khen tài khéo của anh ta trong việc thoát khỏi tình thế bất lợi. Sự khôn ngoan luôn cần thiết cho cuộc sống con người không chỉ đối với đời sống vật chất nhưng cả với đời sống tinh thần.
Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (Lc 16,9). Các Rabbi Do Thái có câu; “Kẻ giàu giúp những người nghèo ở đời này, còn người nghèo giúp những kẻ giàu ở đời sau”. Một mũi tên trúng hai đích: tạo được bạn bè và có được nơi ở vĩnh cửu. Như thế tiền bạc thực sự có ý nghĩa đối với chúng ta khi nó là phương tiện: “tiền là tên đầy tớ tốt nhưng lại là ông chủ xấu”.
Qua việc sử dụng tiền bạc, chúng ta được Thiên Chúa mời gọi sống trung tín (Lc 16,10-11). Nét độc đáo ở đây là Chúa Giêsu đã nối kết hai lãnh vực: “Việc nhỏ - việc lớn; và tiền của bất chính – Của cải chân thật”, như một nguyên tắc để khích lệ phẩm tính trung thực của chúng ta. 
Không ăn ở hai lòng. Đây là một nguyên tắc sống: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, hoặc ghét chủ này, yêu chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, lại vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13). Mỗi người cần có một thái độ dứt khoát trước sự lựa chọn của mình.
Lạy Chúa, xin cho tất cả mọi người chúng con đây, luôn biết sử dụng tiền bạc của cải như là những ân huệ Chúa ban, để nhờ những phương tiện này chúng con biết khôn ngoan làm giàu của cải trên trời. Xin cho mỗi người chúng con luôn trung thành nhìn nhận Chúa chính là chủ nhân của cuộc đời mình chứ không ai khác, vì chỉ có Chúa mới đem lại cho chúng con thứ hạnh phúc đích thực. Amen.

<

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét