Th.Trường SVD
Niềm
khao khát của tôi giờ đây cũng trở thành hiện thực. Tôi được đặt chân trên vùng
đất cao nguyên với những người dân tộc mắc bệnh phong tại Làng phong Đăkkia -
Kontum
Trước khi bắt đầu chuyến đi mục vụ, tôi tự
hỏi những người cùi sẽ như thế nào? Tôi thực sự chỉ biết họ qua những trang giấy,
những hình ảnh hoặc qua những lời kể lại của những người anh em đã có cơ hội tiếp
xúc với họ.
Dù có người hỏi tôi có “bị khùng” không khi xin mục vụ người dân
tộc cùi, nhưng tôi thực sự khao khát một lần trong đời được tiếp xúc với họ, lắng
nghe những tâm sự của họ về sự mất mát không gì bù đắp được.
Những thắc mắc, lo lắng, bối rối, cùng với
sự vui mừng hòa trộn với sự hăng say thúc đẩy rộn ràng lên trong tôi, làm cho
tôi càng mong nhanh được đặt chân đến đó. Khi đặt chân đến vùng đất cao nguyên,
tôi vẫn mong ước cố gắng làm một việc gì đó thật hữu ích họ.
Thế nhưng, khi gặp Đức Giám Mục Giáo phận,
tôi lại nhận được một lời khuyên mới nghe có vẻ chói tai, nhưng khi trải qua
hai tháng hè tôi mới thấy nó hữu ích: “Đừng
cố gắng làm gì hết, hãy sống với họ, vui chơi với họ, nói chuyện với họ.”
Bởi vì khi mình cố gắng đặt ra những mục
tiêu, những công việc cho bản thân, thì những điều đó sẽ ràng buộc mình để cố gắng
hoàn thành nó mà không hiểu điều mình cho có thích hợp với những người đó
không?
Hơn nữa, điều quan trọng cần phải làm không
phải là cố gắng học ngôn ngữ của họ, để giao tiếp với họ nhưng là học cách đối
xử với họ bằng ngôn ngữ của con tim.
Tôi còn nhớ mãi những hình ảnh đầu tiên về
những người cùi: với đôi bàn tay tròn trịa không còn ngón tay, đôi chân bằng nhựa,
hay những cuộn băng gạc còn đẫm ướt huyết tương từ vết loét chảy ra.
Những cái bắt tay chào hỏi lần đầu tiên làm
tôi rùng mình, hơi kinh hãi một chút. Tôi nghĩ mình đang nắm lấy một khúc gỗ sần
sùi nhiều hơn là nắm lấy tay của một ai đó, vì vết loét đã khô và được dùng để làm
việc nên da tay trở nên khô cứng.
Hơn nữa, dù vết thương đã lành nhưng khi tiếp
xúc trực tiếp với da của người bị phong cùi vẫn để lại một mùi tanh khó ngửi của
thịt thối rữa, gây khó chịu và bám lâu.
Công việc những ngày sau đó là giúp các em
thiếu nhi của làng Phong Đăkkia học văn hóa. Đây vốn là sở trường của tôi nhưng
dường như đây là năm mà tôi cảm thấy thất vọng nhất. Vì tôi đã không thực sự
dành cho các em hết tâm huyết của mình.
Có lẽ vì tôi đã không thực sự hiểu hết các
em và hoàn cảnh của các em. Sống trong môi trường luôn có các đoàn từ thiện đến
thăm và cho quà, nên một số gia đình các em luôn mang tư tưởng dù không làm gì
thì cũng đủ sống. một số khác thì cho rằng học hành cũng chẳng hơn gì, học nhiều
thì chẳng có nhiều tiền ở nhà làm việc thì có tiền nhiều hơn.
Những tư tưởng đó phần nào cũng ảnh hưởng đến
suy nghĩ non nớt của các em, làm cho các em muốn đi chăn bò hay cắt cỏ, làm rẫy
giúp gia đình có tiền hơn là đi học.
Mặt khác, những mặc cảm tự ti vì thua kém
kiến thức làm cho các em càng chán việc học hơn. Dù biết hoàn cảnh của các em
là thế nhưng tôi đã không giúp các em được bao nhiêu kiến thức, ngoài những việc
vui chơi với các em.
Điều tôi cảm thấy vui nhất trong thời gian
mục vụ là những ngày sinh hoạt trại cùng các em. Nhìn thấy các em rất nhiệt
tình chuẩn bị dụng cụ cho ngày trại, nỗ lực tập múa. Đây là điều tôi khâm phục
các em, trong thời gian 3 tiếng mà có thể múa hoàn chỉnh một bài múa. Những động
tác nhìn có vẻ đơn giản nhưng khi vào nhảy thì tôi bị chê như là rô-bốt.
Những trò chơi được lồng ghép với những kiến
thức về kinh thánh và năm đức tin: mẫu gương Đức Maria, Abraham,… được các em
chơi rất hăng say, không ngại mưa gió, thời tiết lạnh. Những ngày trại thật vui
trong lòng mỗi em, vừa giúp cho các em thể hiện sự sáng tạo của mình, vừa giúp
tinh thần đoàn kết với nhau.
Bên cạnh đó, một niềm vui khác nho nhỏ, tuy
không có những tiếng cười sảng khoái nhưng lại có những tiếng cười nhẹ trên
khóe môi và những giọt nước mắt đau buồn, đó là những khoảng thời gian trò chuyện
với những bệnh nhân của làng Phong Đăkkia.
Những buổi chiều se lạnh, hoặc có mưa rơi,
tôi ngồi bên hiên nhà để lắng nghe những chuyện từ xưa đến nay, những chuyện
tình như cổ tích hay như phim Hàn Quốc, những hoàn cảnh gia đình trái ngang đầy
éo le.
Chuyện gia đình của một anh chàng dân tộc
Ja-rai cụt hai tay và một chân, còn chân kia đang rụng dần, với thân hình như
thế nhưng anh đã có hai đời vợ và gần một chục đứa con, và đang muốn lấy một vợ
khác.
Có những chia sẻ làm tôi gần nhưng không cầm
được nước mắt: về việc lao động của họ, họ lấy vải cột tay họ với cây cuốc để
làm rẫy, làm cỏ, có người cụt chân phải đạp xe 15km để vào rừng cao su lụm củi,
rồi chở về nhà.
Những ngôi nhà tập thể nhỏ như một căn
phòng bị khói hun cho đen chen chúc trong đó là một gia đình người bệnh phong.
Tuy nhiên, dù sống trong hoàn cảnh như thế, nhưng những bệnh nhân làng Phong
Đăkkia luôn tin tưởng vào Chúa, họ ca tụng Chúa qua những lời kinh nguyện hằng
ngày và xác tín trong cuộc sống của mình.
Bên cạnh những khó
khăn, hay những cản trở không đáng là gì, tôi vẫn thấy trân trọng những kinh
nghiệm thực tế tại làng Phong Đăkkia. Nếu trong tương lai có thể, tôi vẫn muốn
quay về phục vụ cho những bệnh nhân phong này.
<
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét