Jean-Paul ĐìnhTuấn, SVD
Cứ mỗi
mùa hè về anh em Học viện SVD chúng tôi lại có thêm những trải nghiệm thật thú
vị ở những vùng đất mới. Là những nhà truyền giáo tương lai, những trải nghiệm
này thật ý nghĩa và cần thiết.
Mỗi lần đến
với vùng đất mới, con người mới và văn hóa mới chúng tôi lại học được từ nơi đó
nhiều điều mà tôi chưa hề được biết.
Hè năm nay tôi có cơ hội đến với những người Làng Phong
Đăk Kia Kontum, nằm cách thành phố Kontum khoảng 4km về hướng tây nam. Bà con ở
nơi đây đa phần nói tiếng Ja-rai.
Dân số của làng khoảng chừng gần một ngàn người, trong
đó có hơn 170 người đang mắc bệnh phong. Con số còn lại (trong đó có cả người
lớn và trẻ em) thì có đến 90% có mang mầm bệnh phong.
Tuy là làng gần thành phố nhưng đời sống kinh tế và dân
trí ở đây còn khá nghèo nàn. Họ sống dựa vào nguồn cứu trợ của các tổ chức từ
thiện rất nhiều.
Hai tháng hè ở nơi vùng đất xa lạ quả thật ít ỏi để
chúng ta có thể làm được điều gì lớn cho bà con, ngược lại, chúng ta lãnh nhận
được từ nơi đây nhiều niềm vui và những trải nghiệm quý báu cho cuộc đời truyền
giáo.
Bà con nơi đây tuy nghèo khó nhưng giàu tình người, họ
sống rất đoàn kết và gắn bó với nhau. Đối với những người lạ, họ tỏ ra rất quý
mến và hiếu khách.
Hai tháng ở đây tôi chủ yếu dạy học cho các em học
sinh. Các em ở đây cũng như các em dân tộc thiểu số nói chung gặp nhiều khó
khăn trong việc học văn hóa. Các em có thể nhảy múa ca hát cả ngày không mệt
mỏi, nhưng cầm bài toán giải một chút là thấy chán nản rồi.
Các em thích lên ruộng, lên nương chăn bò hơn là tới
lớp học, đặc biệt các em trai. Các em đa phần chỉ học hết cấp 2 là muốn nghỉ
theo ba mẹ lên nương cuốc rẫy.
Dạy học cho các em ở đây đòi hỏi tôi phải biết rèn
luyện tính kiễn nhẫn, hiền hòa và yêu mến thì mới mong giúp đỡ được các em. Chúng
ta không thể đưa ra những mục tiêu quá cao cho các em vì sự đón nhận của các em
rất ít.
Chúng ta cũng có thể hiểu được phần nào sự khó khăn
trong học tập vì hoàn cảnh các em còn thiếu thốn mọi điều; thêm vào đó là trở
ngại về ngôn ngữ, vì tiếng mẹ đẻ của các em không phải là tiếng Kinh!
Ngoài việc dạy học cho các em nhỏ, tôi cũng nhận giúp
cho một số cặp hôn nhân bị rối. Đa phần bị rối do cưới nhau không có phép hôn
phối, một số thì cưới nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn. Những người này đa phần
trình độ rất thấp, có nhiều người không biết chữ và khả năng hiểu tiếng Kinh
không nhiều.
Chính vì vậy, việc dạy cho họ hiểu và nhớ bài quả thật
không dễ. Tôi luôn phải kiên nhẫn nói chậm, dùng từ dễ hiểu và nhắc đi nhắc lại
mới mong họ hiểu được điều mình muốn nói. Làm việc với những người này tôi thấy
thương họ nhiều hơn, cũng chỉ vì thất học, thiếu hiểu biết để rồi gặp phải
những khó khăn trong đời sống hôn nhân.
Tôi cố gắng giúp họ để mong họ sớm được hợp thức hóa và
sống an vui, hòa thuận với xóm làng. Vì, những người này bị mang mặc cảm rất
nhiều khi sống trong làng.
Theo kinh nghiệm của tôi, khi tới vùng đất xa lạ để cho
những ngày mình ở đó có ý nghĩa và có nhiều niềm vui thì đừng để cho mình quá
rảnh rỗi, hãy sáng kiến ra công việc để làm, vừa để giúp họ, vừa để cho tinh
thần thoải mái.
Khi sống ở Trại Phong, ngoài những giờ lên lớp, tôi
cũng tranh thủ đi thăm bệnh nhân, cuốc đất làm rau ăn, tận dụng những gốc cây
có sẵn để làm cho họ những chiếc bàn – ghế dễ thương làm kỷ niệm, giúp họ sửa
điện hay những vật dụng khác trong nhà.
Ngày cuối tuần rảnh rỗi tôi lại dẫn các em đi đào dế,
vừa để giải trí vừa có món ăn thật ngon vào bữa trưa. Những việc mình làm không
chỉ giúp họ cái trước mắt, nhưng còn giúp họ biết cách làm, cách tiết kiệm và
biết tận dụng những gì có sẵn.
Đối với tôi, hai tháng hè giúp tôi rất nhiều trong kinh
nghiệm sống. Tôi đến giúp họ những điều tôi có và tôi nhận lại những gì tôi còn
thiếu trong sự trải nghiệm cá nhân. Thời gian ở đây giúp tôi có thêm kinh
nghiệm làm việc với người dân tộc thiểu số. Học thích ứng với nền văn hóa và
ngôn ngữ mới.
Tạ ơn Chúa đã ban
cho tôi một mùa hè bình an và gặt hái nhiều điều bổ ích cho cuộc sống và sứ vụ
tương lai. Tôi luôn nhớ đến họ trong lời nguyện mỗi ngày, cầu mong cho họ được
khỏe mạnh về phần xác và trưởng thành về phần hồn.
<
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét