GiaHoàng, SVD
Để trở thành nhà truyền giáo, chúng ta phải chập chững bước
đi từng bước nhỏ. Mùa hè năm nay có thể nói là một bước nhỏ trong những bước nhỏ
ấy để tôi hoàn thiện mình trong hành trình trở thành nhà truyền giáo.
Quảng Bình một miền đất “mới” của Dòng
Ngôi Lời. Tôi tự hào là người mới trên mảnh đất ấy.
Giáo xứ tôi đến nằm hút trong vùng sâu
hẻo lánh, cách xa đường lộ gần 30km. Đường đi gập ghềnh đèo dốc và phải vượt
qua chiếc cầu treo rất đẹp bắc qua sông Son.
Xe máy vừa chạy vừa nhảy hiphop và người
ngồi trên xe thì lại lắc lư theo điệu lambada. Khó khăn nhưng hữu tình, cảnh vật
rất nên thơ và không khí vô cùng trong lành. Qua đồi núi rồi đến cánh đồng lúa
bát ngát.
Tôi phải hỏi đường mấy lần để đến được
nơi tôi cần đến. Đập vào mắt tôi khi đến nơi là ngôi thánh đường mới nằm trước
dãy núi cao và trước mặt là dòng sông nước xanh biếc. Từng làn gió mát thổi vào
mặt đem lại cho tôi cảm giác dễ chịu.
Đi ra phía sau, tôi mới vỡ lẽ là chỉ có
ngôi nhà thờ mới xây chứ chưa có nhà xứ hay theo người địa phương gọi là nhà
phòng. Cha xứ ở trên gác lửng của phòng thánh trang và thế là tôi cũng được lên
góc cầu thang ở với ngài.
Cha xứ báo cho tôi biết những khó khăn
về điều kiện sinh hoạt, ăn uống nới đây. Với tôi, đó không phải là trở ngại mà
lo lắng của tôi là liệu tôi có làm được gì trong thời gian tới hay không.
Sau một ngày nghỉ ngơi tôi bắt tay vào
việc bởi sắp tới phiên chầu lượt của giáo xứ. Chắc cũng phải nói một chút về chầu
lượt ở ngoài đó, bởi đây là lần đầu tiên tôi được thấy cảnh chuẩn bị, được tham
dự, và được vinh dự là người “đồng tổ chức”.
Thật “hoành tráng”, thật đông vui, thật
ý nghĩa nhưng cũng thật mệt. Nhưng có mệt mới học hỏi được nhiều điều và cũng
chính nhờ qua dịp chầu lượt mà tôi làm quen nhanh chóng với Hội Đồng Mục Vụ và
giáo dân trong giáo xứ.
Qua dịp chầu lượt, tôi “theo việc”
(cách nói của người nơi đây) của mình là dạy học. Sáng dạy, chiều dạy, tối cũng
dạy. Công việc mệt nhưng cho tôi niềm vui vì tôi được gần với mọi người.
Giáo dân ở đây rất dễ thương. Họ rất
quý các cha, các thầy và dĩ nhiên họ cũng rất quý tôi bởi tôi là “thầy xứ” đầu
tiên đến với họ. nhưng ví quý nên họ giữ khoảng cách và họ rất khép nép khi tiếp
xúc. Cái mác “thầy xứ” ở vùng ngoài đó rất “oai”.
Tôi lại không thích cái oai đó mà tôi
muốn sống gần gũi và xả thân với mọi người. Tôi cố gắng làm mọi việc mà tôi có
thể làm. Lúc đầu, họ ngạc nhiên vì một ông thầy xứ ăn xong đi rửa chén, đi lau
nhà thờ hay đi quét cứt chó, hốt phân bò… Nhưng càng về sau họ quen dần và họ đến
vơi tôi nhiều hơn, họ không còn giữ khoảng cách như trước nữa.
Tuy có một chút khó khăn về cơ sở vật
chất và cách xa “vùng văn hóa” nhưng bù lại tôi có được sự thuận lợi lớn lao là
sự yêu thương và chia sẻ của cha xứ cũng như tình cảm của người giáo dân. Họ sẵn
sang cộng tác trong mọi công việc.
Tôi thiết nghĩ đây là một vùng truyền
giáo thực thụ và rất cần nhiều người như anh em chúng ta đến chia sẻ cả về tinh
thần, kiến thức vầ đạo cũng như về đời. Nếu có cơ hội tôi vẫn mong muốn trở lại
nơi đó để được tiếp tục góp một chút sức mình trong thời gian ngắn ngủi của mùa
mục vụ hè.
Xa
Quảng Bình rồi nhưng tôi vẫn thương nhớ về những con người, những công việc và
kỷ niệm nơi ấy.
<
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét