3 thg 3, 2014

Những người có của thì khó vào nước Thiên Chúa biết bao!!!



Antôn Binh Sắc, SVD
Mọi nỗ lực để thoát khỏi cảnh đói nghèo là vấn đề ưu tiên và là điều muôn thuở của kiếp người. Hẳn, ai cũng muốn cho mình có một cuộc sống sung túc no đủ. Đây là mong muốn chính đáng và là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Bởi vì tiền bạc của cải là “kiến trúc sư” làm nên tế nhị, biết điều và khôn ngoan. Nói chung, của cải mang lại nhiều lợi ích cần thiết. Cần thiết đến nỗi có lúc người ta nâng lên địa hạt thần thánh để rồi tôn thờ và lệ thuộc vào nó như kiểu nói: “có tiền mua tiên cũng được”, “Tiền không chân xa gần đi khắp”, hay như Nguyễn Bỉnh khiêm thì tỏ ra cay đắng: “còn tiền còn bạc còn đệ tử, hết tiền hết gạo hết ông tôi”. Tuy nhiên, tiền bạc cũng chính là nguyên nhân của biết bao đổ vỡ như, tục ngữ có câu: “Tiền bạc phá nhân nghĩa” hay “tiền bạc là chìa khóa vàng mở cửa nào cũng được, trừ cửa Nước trời”.
Nói như thế để thấy rằng, cả hai mặt, tiền của là những điều trăn trở đầy phiền muộn, khó khăn; dường như đã song hành cùng mọi kiếp người, ở mọi thời, mọi nơi. Một khi nó là nan đề, có nghĩa là giải quyết nan đề ấy sẽ rất vất vả.
Tin Mừng hôm nay cho ta thấy một thực tế rõ ràng: tiền của đã cản bước người thanh niên đi theo Chúa. Anh ta là hình mẫu tuyệt vời về việc sống các giới răn, tuân giữ luật lệ, khao khát một cuộc sống trọn hảo. Thế nhưng, khi Chúa Giê su bảo anh ta bán tất cả những gì anh có mà cho người nghèo để theo Chúa thì anh ta đã “ sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.” Một con người trung thành với lề luật, một người tuân giữ luật từ nhỏ, một người mà “Chúa Giê su đem lòng yêu mến” Hẳn là người có phẩm hạnh cực cao, cái tâm cực tĩnh và khát vọng một cuộc sống đời đời làm gia nghiệp cực lớn. Ấy thế nhưng sao anh lại không thoát khỏi cái vòng cương tỏa của tiền tài vật chất? Anh sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, nhìn vào diễn biến tâm lý nơi anh thanh niên, tôi có cảm tưởng, anh phải thất vọng lắm.
Với của cải của mình, anh lủi thủi ra đi như một kẻ cô đơn, mãi rong ruỗi giữa cuộc đời ô trọc và nỗi ngậm ngùi khó hiểu. Trái tim anh đang nặng trĩu bởi một chọn lựa vừa mới quyết định. Đặt mình trong hoàn cảnh của anh tôi thấy, anh như một kẻ có tâm sự u sầu tột bậc, không phải vì tình, không phải vì thân phận mà vì mộng hoài dang dỡ. Anh khao khát có một sự sống đời đời làm gia nghiệp nhưng anh không thể đạt tới, vì anh đã lựa chọn của cải làm lẽ sống cho đời mình. Một mâu thuẫn nội tại cứ giằng xé con người anh, khiến anh không có được thanh thản. Nét mặt anh đã chứng minh điều đó. Anh có chọn lựa nhưng không có sự tự do nội tâm. Anh đã quyết định chọn của cải nhưng anh không có được bình an. Anh như một kẻ lữ hành cô độc. Anh ra đi, Chúa Giê su đã thốt ra hai câu cảm thán: “Những người có của thì khó vào nước Thiên Chúa biết bao”! “Các con ơi vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao.” Lời Chúa vang lên như một nỗi niềm da diết, động thấu những niềm sâu xa nhất của trái tim con người. Các môn đệ không thể cầm lòng được, đã sững sốt và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu”?
Lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh cho tôi, cho chúng ta, những tu sĩ, lấy lời khấn khó nghèo làm tuyên ngôn cho một lối sống. Ấy thế nhưng, sự thật hơn mọi thứ xảo ngôn. Tôi e ngại lời khấn khó nghèo đang manh nha trở thành một hư từ. Thực tế chúng ta vẫn ham tiền, kẻ có thì muốn có thêm, kẻ không có thì mơ ước có.
Một lần nữa, Lời chúa mời gọi chúng ta hãy bình tĩnh nghiêm xét lối sống của mình, để rồi chúng ta sống đời dâng hiến trong sự bất lực của bản thân, nhưng lại tràn đầy niềm tin vào Chúa. Cảm nhận những cố gắng vô hiệu của mình mà vẫn mỉm cười cậy trông. Vì ta có một niềm hy vọng. Niềm hy vọng tràn trề, niềm tin vào Thiên Chúa. “Vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể". Được cứu độ là món quà Thiên Chúa thương ban. Và chính Thiên Chúa khởi xướng tặng ban chứ không phải loài người lập công mà được.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét