28 thg 11, 2012

Những hành động không do xác tín


Nhà Tiền-Lê
Xác tín và lỗi phạm
Tội và lề luật là hai thứ ám ảnh, đôi khi là gánh nặng, là gai góc đâm thấu tâm hồn, cuộc đời của bất cứ ai. Tội là sự bất trung, phản bội một ai đó, hoặc với chính mình, là sự vi phạm lề luật với một định chế, tổ chức xã hội hay phạm đến lề luật của các tôn giáo.
Tiêu chuẩn để xét, để định tội chính là lề luật. Thánh Phaolô nhấn mạnh đến hệ quả của điều đã xác tín: “mọi hành động không do xác tín đều là tội” (Rm 14,22). Thánh nhân quả quyết: “bạn xác tín điều gì thì cứ giữ lấy cho mình trước mặt Thiên Chúa”.

Như thế đối với tôi lúc này cần xác tín hai điều: phải xác tín mình là một Kitô hữu đúng nghĩa và phải xác tín mình là một tu sĩ chính danh. Mọi hành động không làm sáng tỏ ơn gọi nhà tu và không thể hiện căn tính kitô hữu đều là lỗi phạm.
Bất trung với ơn gọi kitô hữu của mình là một lỗi phạm lớn
“Thời đại này là thời đại của chứng nhân hơn là thầy dạy” (Đức Phaolô VI). Bằng sự xác tín của mình, tôi và bạn có thể, thể hiện một nhân cách lớn bằng những hành động nhỏ nhặt thường ngày để làm sáng tỏ gương mặt kitô hữu của mình.
Trung thực trong hành động, nhã nhặn, lịch sự, tôn trọng người khác trong giao tiếp, mặc dầu người đó không hay có quen biết, liên hệ tới mình. Tử tế với một kẻ làm hại, ghét bỏ, thậm chí mạt sát, làm mình mất mặt, mất danh dự nhiều lần, “hãy tha đến bảy mươi lần bảy” (Mt 14,21). Thương mến kẻ bất hạnh cơ bần, đau khổ trong xã hội với một tinh thần đơn sơ chân thành của mình với ý thức kitô hữu, “yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ bắt bớ anh em” (Lc 6,27).
Khi liệt kê những tiêu chuẩn lý tưởng này, tôi thấy mình đã lỗi phạm quá nhiều cho ơn gọi kitô hữu của mình. Khi thể hiện một nhân cách tầm thường gian xảo, lựa lộc, tìm cái lợi cho mình, cố tình che dấu một sự thật, vì nó có hại đến mình, tất cả sẽ làm vấy bản tấm áo kitô hữu mà tôi đang khoác trên mình.
Ý thức bao giờ cũng đơn giản, nhưng thực hành điều đã xác tín thì không dễ chút nào. Tôi phải bắt đầu lại mỗi ngày, mỗi công việc bằng sự xác tín căn tính kitô hữu của mình bằng tất cả nỗ lực từ những chuyện rất đời thường, rất nhỏ nhặt để cho gương mặt Đức Kitô được sáng tỏ và lớn dần trong đời Kitô hữu của tôi.
Sứ mạng kẻ tu hành và những điều lỗi phạm
Tôi không có ý định cổ vũ cho một thái độ sống tiêu cực, có thể đôi lần bạn đã nghe một ai đó nói rằng: “Tội lỗi là bản chất của con người, nhưng sự trở về với Thiên Chúa mới là ân sủng đến từ Người”. Khi nghiệm lại đời mình, tôi thấy tội bất trung của mình với những lời đã khấn hứa trong đời tu khá nhiều.
Quyết tâm trung thành, nhưng rồi lại ngã lòng buông xuôi để đời thêm nhạt nhòa theo những chuyện vớ vẩn. Hối hận trở về nhưng rồi đâu lại vào đó.
Tình huynh đệ nhà tu với nhau còn nhiều vấn đề để suy nghĩ, trung thực đối đãi với nhau như anh em hay chỉ là nghệ thuật giao thiệp? Bổn phận đạo đức hằng ngày xuất phát từ động lực của lòng yêu mến hay chỉ thi hành cách chiếu lệ? Học hành vì sứ mạng sau này hay chỉ là chuyện qua cầu?
Vì được sinh trưởng trong môi trường văn hóa Việt, tôi không dám nói thẳng, nói thật, không dám công khai chịu trách nhiệm về chính mình. Nhưng khi suy lại đời tu tôi thấy mình đã lỗi phạm quá nhiều vì đã không hành động theo điều đã xác tín: tôi là một kẻ tu hành.
Chưa bao giờ tôi nghĩ một cách sâu sắc về ý nghĩa của giá trị đời xuất gia. Xuất gia là ra khỏi những bám víu đời thường, là vượt lên trên sự cám dỗ của tình, tiền, danh lợi thú mới xứng danh là kẻ xuất gia. Tôi muốn bỏ ngõ hành trình tâm linh của chủ đề này, vì thấy đời còn dang dỡ, những hành động không do xác tín còn nhiều.
Như  thế không có nghĩa là tôi đang cố tình bất trung với ơn gọi tu sĩ hay làm vấn đục tấm áo kitô hữu của mình. Tôi đã từng xuất gia, tôi muốn đời mình là một chứng nhân sống hơn là một lý thuyết gia về vai trò kitô hữu và tu sĩ của mình.  

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét