30 thg 5, 2013

Lương Thực

PetAi  SVD
Lương thực là nguồn nhu yếu cần thiết trong cuộc sống, con người hằng ngày luôn phải lo toan làm việc để kiếm cớ sinh nhai, trước để trang trải miếng cơm manh áo, sau để tích lũy cho con cái ăn học và gầy dựng những điều cần thiết cho gia đình, xã hội.
Chính vì vậy, mỗi người sinh ra trên cõi đời, dù Âu hay Á, Phi hay Mỹ luôn phải ý thức về trách nhiệm làm người của mình. Đã sinh ra trên cõi đời là phải biết chu tâm làm việc, nên tục ngữ ca dao Việt nam mới có câu :
“Giàu đâu những kẻ ngủ trưa
Sang đâu những kẻ say sưa tối ngày”.

Như thế, lương thực hằng ngày với con người rất quan trọng, có lương thực no đủ con người cảm thấy hạnh phúc và bình an, còn thiếu lương thực sẽ dẫn tới bần cùng đói khổ. Ngày nay, nền kinh tế thị trường từng bước được phát triển, lương thực và các nhu yếu phẩm trở nên đa dạng trong thị trường.
Nhà hàng, quán xá mọc lên tấp nập, từ đường lớn tới ngỏ hẻm tràn ngập các tiệm ăn nhằm cung cấp nhu cầu cho mọi thành phần trong xã hội, từ người có chức cao đến người dân bình thường, từ con nít tới các ông già bà lão. Như thế ta thấy, món ăn bây giờ không còn xa lạ với mỗi người chúng ta trong cuộc sống tại thế.
Vì vậy, con người thời nay không chỉ đi tìm các món ăn bình thường để phục vụ cho cái bụng nhưng họ còn tìm đến những món ăn hảo hạng, những thứ xa xỉ đắt tiền, nhằm thỏa mãn cái tôi đó là thú vui, đam mê và khoái lạc.
Tâm lý và bản chất của người đời là thế, khi không có ăn, không có mặc con người sẵn sàng tìm mọi cách để kiếm ra đồng tiền, dù đó là việc bất chính, trái với lương tâm nhưng khi đã có tiền họ chấp nhận nướng mình vào những thú vui không tưởng.
Xã hội là thế, còn cuộc sống đời tu sẽ như thế nào; người tu có chấp nhận với con đường mình đi hay không, hay là một đà tiến tới với những lạc thú như người đời.
Ngồi ngẫm nghĩ, suy xét cách ăn nết ở của mình trong ngày tĩnh tâm tôi chợt nhận ra, trong cuộc sống đời tu, tôi không hề nghĩ tới chuyện cơm, áo, gạo, tiền hay bất cứ một nhu cầu nào khác vì tất cả đã có người khác chuẩn bị.
Nhìn lại tôi cảm thấy có cái gì đó áy náy lương tâm. Có lúc tôi tự đặt câu hỏi, tôi sống nhờ ai? Có phải nhờ những đồng tiền bà góa mà trong Kinh thánh thuật lại? Hay những ân nhân, thân nhân nào khác.
Có lẽ điều tôi suy nghĩ là đúng, tôi sống là dựa trên tình yêu thương của nọi người, dựa trên những giọt mồ hôi của ân nhân, thân nhân và cuối cùng là dựa trên sự lao động vất vả của người khác. Tôi biết là vậy, thế nhưng trong cuộc sống tôi vẫn thỉnh thoảng lao vào những cuộc vui chơi, nhậu nhẹt, sống trái với đạo lý mà Đức Giêsu đòi hỏi.
Những dịp được nghĩ hè hay tết, tôi được sự tôn trọng từ người bà con thân thuộc, làng xóm láng giềng. Vì kính nể, mọi người đã dành cho tôi đủ mọi thứ, ngoài món ăn tinh thần họ còn trao tặng cho tôi những món ăn vật chất cao quý, sang trọng mà trong cuộc sống đời tu chưa hề nhìn thấy.
Nhìn lên bàn ăn đủ mọi thứ và loài, tôi đã tự vấn lương tâm, sao lại có những món ăn cao trọng như thế này? Sao có những loại này? Loại này từ đâu mà có? Trước hoàn cảnh đó tôi phải làm sao? Và tại sao người ta lại tôn trọng mình như thế này? 
Có lẽ văn hóa Việt là thế, chủ nhà sẵn sàng tiếp đãi, miễn sao đi đúng với lý tưởng và con đường thầy đã chọn. Đối với họ đó là một niềm vui, một sự hạnh phúc và một sự ưu ái mà các “Thầy” đã dành cho gia đình.
Lòng yêu mến và rộng lượng của người thân thật bao la và quảng đại, thế nhưng có những người tu sĩ đã đánh mất chính mình từ những cuộc vui đó. Đằng sau cuộc vui là những lời hàm hồ tốt xấu của người dân. Lúc này hình ảnh người tu sĩ trong họ có thể lãng dần. Sự khó nghèo và tiết độ của người tu sĩ không còn nữa.
Từ những lo toan trăn trở về danh nghĩa thầy tu đã đưa đến cho tôi nhiều bài học quý giá trong cuộc đời dâng hiến. Giờ đây, mỗi khi có ai mời tôi thường biện hộ lý do để từ chối, điều này không ai có thể ép hay trừng phạt được tôi.
Nhớ lại câu nói của ông bà: “Miếng ăn là miếng nhục”, quả là một câu nói xác đáng, chân chính cho từng thế hệ. Nói như thế không phải là tôi phải ăn kiêng hay bớt uống nhưng điều quan trọng là phải biết ăn như thế nào là vừa và đủ, không nên để miếng ăn làm mất tính cách và nhân phẩm của đời sống con người.
Chung quy, qua kinh nghiệm và một vài suy nghĩ làm tôi ý thức hơn trong đời tu, với tôi lương thực hằng ngày của đời tu là biết kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và yêu mến mọi người. Chỉ sống trong Đức Kitô, cuộc đời mới trở nên bình an, hạnh phúc và tràn đầy tình yêu. Giống như lời thánh vịnh:
“Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi
Hồn tôi mới được nghỉ ngơi an lành” (Tv 62,2).


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét