1 thg 6, 2013

Lương thực hằng ngày trong thế giới hôm nay

                                                  Jos. Văn Linh SVD
Ngày tĩnh tâm hôm nay xoay quanh Kinh Lạy Cha, những chia sẻ của cha giảng phòng nhấn mạnh tới việc “tiết độ trong ăn uống” để có lương thực mỗi ngày. Riêng bản thân tôi, trong những giờ phút thinh lặng tôi suy nghĩ nhiều đến vấn đề “lương thực hằng ngày trong thế giới hôm nay”.
Lời kinh Lạy Cha tôi đọc mỗi ngày, và không nhớ chính xác mình biết đọc từ khi nào, vì ngày chưa đi học thì tôi đã được bố mẹ dạy cách làm dấu thánh giá và đọc kinh…
Tuổi nhỏ tôi chỉ đọc theo thói quen mà không hề suy nghĩ.
Khi lớn lên, tôi cảm nhận được cái “Đói” và “Sợ Đói” nên tôi đã phần nào trả lời được lý do tại sao “xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày đó” lại được đặt lên trước tất cả mọi lời cầu xin khác.

Chưa nói gì đến “lương thực trường sinh” cao xa, chỉ riêng của ăn mau hư nát cũng có nhiều điều để bàn. Đói ăn làm thân xác rã rời suy nhược, tinh thần dễ bị nao nũng lung lạc.
Và đây có lẽ là lý do để ma quỷ cám dỗ Chúa Giê-su sau khi Ngài ăn chay bốn mươi đêm ngày và thấy đói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi” (Mt 4,3).
Kể từ đây con cái thế gian cũng theo chước này để dùng cái đói mà quy tụ lực lượng, lợi dụng cái đói để nô dịch khống chế và điều khiển người khác làm theo ý mình.v.v. Ai đã kinh qua những năm kinh tế bao cấp ở đất nước này, đã từng sống trong cảnh “tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm, trưa ăn lang trừ bữa” thì càng cảm nghiệm sâu sắc về tầm quan trọng của “lương thực hằng ngày”.
Quan trọng tới mức người ta bỏ mọi công việc khác để chấp nhận xếp hàng cả ngày (XHCN) và cả ngày xếp hàng (CNXH) để ghi tên và nhận tem phiếu mua lương thực:
“Ai lên vũ trụ thì lên
Còn tôi ở lại ghi tên mua mì”
Sống trong cảnh đói rét cơ hàn nên người ta luôn khao khát có được lương thực hằng ngày, được “ăn no mặc ấm”, điều này trở thành một mơ ước thường nhật, mãnh liệt và chính đáng.
Đã hơn hai nghìn năm trôi qua, ngày nào Giáo Hội cũng thưa với Chúa rằng: “xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày”. Vậy Chúa đã nhậm lời chưa? Đã có lương thực hằng ngày chưa?
Câu trả lời của tôi là Chúa đã nhậm lời, đã ban lương thực hằng ngày rồi! Nếu ai không tin thì cứ nhìn vào thành tựu khoa học hàng năm của thế giới: luôn xuất hiện những giống cây- con cho năng suất và sản lượng cao, lương thực nhiều nơi dư thừa.
Vậy tại sao nhân loại vẫn thiếu thốn và tiếp tục kêu xin?
Vì nhân loại không thực hiện lời Chúa dạy, thậm chí Giáo Hội cũng không ngoại lệ. Chúa nói rằng “chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14,16) nhưng chẳng mấy ai chịu chia sẻ, người ta cứ giữ bo bo những gì mình có và còn tìm cách để tích trữ thêm.
Nhiều lúc tôi bất bình vì những dịp lễ quan trọng quy tụ nhiều con cái Chúa mà những người có bổn phận và trách nhiệm lại ít nói chuyện về thăng tiến đời sống thiêng liêng, mà chỉ hỏi “đã mua ô tô chưa”, “xe đó chạy ngon không”, “chừng nào mừng tân gia”, “tiệc mừng mấy bàn” và muôn thứ chuyện khác nữa.
Nhiều  người có chức quyền cũng tham lam vô độ, tìm cách vơ vét càng nhiều càng tốt. Câu đầu tiên tôi nghe mỗi khi có việc phải đến cửa công đó là “anh có gì không?”
Một cách nói lấp lửng tha hồ suy diễn, miễn sao đúng với điều người hỏi muốn: nó có thể là “Anh có gì cho tôi không mà đến đây?” Hay “Nếu anh không có gì thì về đi!”, “Anh phải có cái gì đó cho tôi thì tôi mới làm việc!” v.v. …
Tại sao không hỏi “Anh cần tôi giúp gì cho anh?” Cách đón tiếp “hành chính” (hành là chính) này thỉnh thoảng vẫn xuất hiện đâu đó mỗi khi giáo dân gặp cha xứ, nhất là khi xin giấy tờ hôn nhân.
Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ này mỗi nơi một vẻ, tài nguyên thiên nhiên cũng được phân bố không đồng đều có ý muốn con người phải chia sẻ và nương tựa vào nhau để sống.
Tuy nhiên, con người lại biến những gì mình có thành một thứ vũ khí hữu hiệu để khống chế kẻ khác: quốc gia có dầu thì không chịu xuất, nước sản xuất được gạo không chịu bán, nếu đối tác không tuân thủ những điều kiện có lợi cho mình, và cái vòng luẩn quẩn ấy cứ bám riết lấy mỗi người.
Sống trong ích kỷ lâu ngày nên người ta xem bất công là bình thường chẳng có gì ghê gớm, mình làm ra thì mình hưởng, không chia sẻ cũng chẳng tội lỗi gì. Vì thế mới có tình trạng chó được thừa kế 1 triệu USD (báo Dân Trí ngày 1 tháng 4/ 2013 http://dantri.com.vn/chuyen-la/cho-bong-dung-duoc-thua-ke-1-trieu-usd-714147.htm) trong khi người ở vùng Sừng Châu Phi vẫn chết đói.
Tình trạng “sống chết mặc bây” diễn ra khắp nơi: “nhà phú hộ” vẫn suốt ngày yến tiệc linh đình, còn La-za-rô vẫn đói lả chờ từng miếng bánh vụ trên bàn rơi xuống.
Sống lâu trong đói khổ nên khi có điều kiện người ta ăn nghiến ngấu vô chừng mực, ăn như chưa bao giờ được ăn, điều này đã gây nên bao hệ lụy tai hại (xem bài: Nhiều người Việt “đang ăn để chết” vietnamnet ngày 06/3/2013).
Đây có thể là đáp án câu hỏi “Tại sao người trẻ ngày nay nhiều bệnh hơn người già?” mà có khi tu sĩ cũng không ngoại lệ. Chẳng có gì để biện mình được một nước nghèo như Việt Nam lại thuộc nhóm tiêu thụ bia rượu nhiều nhất thế giới ( xem bài “Việt Nam thuộc nhóm nước tiêu thụ bia nhiều nhất” Tuổi trẻ online 04/01/2012 ) và Hãng Bia lớn nhất thế giới sắp vào Việt Nam (xem VnExpress ngày 26/4/2013).
Người ta khuyến khích ăn nhậu để làm cho con người “vô minh”, càng ngu càng dễ cai trị. Ăn nhậu say sưa sẽ quên nỗi nhục, quên kẻ thù, nguy hiểm hơn là xem kẻ thù là ân nhân. Vô cảm, ích kỷ, tham lam là nguyên nhân của “bài ca đói dài” của “thiếu thốn lương thực”.
Chính vì vậy Giáo Hội vẫn tiếp tục cầu xin “Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực của ngày ấy” vừa để Cha ban thêm, vừa nhắc mọi người hãy nhớ rằng tự sức mình không thể làm được gì hết. Mặt khác, để ý thức hơn trong việc từ bỏ lối sống xa hoa nhằm chia sẻ cho nhau, hầu giúp nhau sống cho ra người…
Viết những dòng suy tư này tôi không nhằm lên án ai cả, nhưng từ chuyện người để nhìn lại mình, với hy vọng bớt giẫm lên những vết xe đổ và sống có trách nhiệm hơn với mình và với người.



Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét