28 thg 5, 2013

Vâng phục của tôi là vâng phục vì người khác

Fx Thiên Thanh svd
Lời Kinh Lạy Cha (Lc 11,3t.) luôn vang vọng trong tôi mỗi khi tôi tìm đến trong thinh lặng ở ngày tĩnh tâm vừa qua, và thật trùng hợp nhóm chúng tôi lại trình bày về lời khấn vâng phục.
Thật đúng như người nào đã nói, chỉ qua thinh lặng con người mới nhìn ra được bộ mặt thật của mình.
“Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” thánh ý Thiên Chúa không bị giới hạn trong không gian và thời gian, cũng như trong thánh ý Thiên Chúa ngưởi tu sĩ mới có thể hiểu được giá trị của lời khấn vâng phục một cách hoàn trọn nhất.
Vâng phục theo đúng nghĩa vâng phục là điều khó khăn đối với tôi lúc này. Thông thường tôi thấy mình dễ dàng vâng phục đối với người có trách nhiệm hay vâng phục một người nào đó trước một đám đông.

Vâng phục của tôi không xây dựng trên tự do, khiêm nhường và can đảm nhưng thông thường tôi vâng phục thường là vì sợ sệt hay là vì người khác đang nhìn mình.
Trong nhiều trường hợp, khi tương quan với anh em, trong thâm tâm tôi nhiều khi không muốn làm theo ý người anh em mình hay nhiều khi có suy nghĩ người anh em mình đâu có hơn mình cái gì đâu mà phải làm theo ý họ.
Đáng lý ra trong những lúc như vậy, mình nên thể hiện cái tôi của mình cách mạnh mẽ để anh em dễ dàng nhận ra tính cách của mình, nhưng tôi lại vẫn cứ làm theo ý họ với suy nghĩ mình không làm thì anh em sẽ nghĩ mình cứng đầu, mình tự mãn mà mất đi hình ảnh tốt giả tạo mà mình đang xây dựng trong mắt của họ.
Vâng phục của tôi là vâng phục vì người khác.
Nhưng nhìn một cách bi quan cá nhân, chiều kích vâng phục chỉ thể hiện rõ qua một hướng từ trên xuống mà thiếu đi tinh thần đối thoại. Tôi vâng phục bề trên vì nếu không phục thì trái ý bề trên, mà khi trái ý thì ắt có hậu quả khó lường.
Chiều kích đối thoại trong vâng phục chỉ được áp dụng với những bề trên có tinh thần đối thoại còn đa phần thì vẫn là “lấy tư cách gì để nói chuyện”.
Đôi khi tôi vẫn nghĩ, mình có thật sự yêu mến bản thân mình không? Tại sao trong nhiều tình huống mình không thể hiện cái tôi của mình để vấn đề có thể sáng ra mà mình lại cứ vâng lời tối mặt vậy.
Dẫu biết rằng trong cuộc sống thì cũng cần phải bỏ mình đi một chút, nhưng sự bỏ mình đó phải mang lại sự bình an trong tâm hồn và vui mừng trong hành động, chứ còn nếu bỏ mình mà mang lại sự bực tức thì chỉ là vô nghĩa. Người tu sĩ cần và nên vâng phục trong thánh ý – vâng phục trong đức tin.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét