Bởi vì có Thánh Thần trong hồn, nên chúng ta luôn cảm thấy mình ở trong tình trạng được „thúc bách“. Đó là một kinh nghiệm như Phaolô: „Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi“ (2 Cor 5, 14). Tình đó nhắc nhở rằng: tình yêu không ngừng ở nơi tôi, gia đình tôi, bà con và người nhà của tôi, mà mở rộng con tim cho những ai cần đến trên khắp thế giới.
Cha Arnold Janssen còn nhìn ra một động lực khác cho việc truyền giáo trong „dấu chỉ thời đại“, như ngài đã kể lại cho Giám mục Vaughan - vị sáng lập Dòng truyền giáo Mill Hill gần London. Vị khác quý này ghé thăm Steyl trong những năm tháng đầu, khi điều kiện sống ở đó theo nhận xét của vị khách này, là hết sức „giản dị“.
Tại đó Arnold Janssen tâm sự rằng ngài có ý tưởng lập một nơi đào tạo các nhà truyền giáo, bởi „vì có lẽ một trong những nguyên nhân, tại sao chúng tôi, những người công giáo tại Đức, đang phải chịu bách hại kinh khủng như bây giờ, đó là vì cho đến nay chúng tôi đã làm quá ít ỏi cho lương dân. Chúng tôi chỉ quan tâm đến những ước muốn của mình, và quên đi mất những con người không có ai trợ giúp cả.“
Cha Arnold Janssen nhìn thấy sự bách hại được chấm dứt qua việc lập một „Trường học cho công việc truyền giáo nước ngoài ... Qua đó, chúng tôi sẽ chứng tỏ rằng: giữa những đau khổ và bách hại, chúng tôi yêu mến Chúa chúng tôi, và ước mở rộng đưa Danh Chúa cho đến ranh giới xa nhất của thế giới“ (Alt, 120). Suy nghĩ này nhắc nhở lời của Tông đồ Phaolô „Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng“ (1 Cor 9, 16).
Động lực thúc bách là Thánh Thần. Từ bên trong. Tình yêu, lòng nhân ái, tha thứ thương xót của Thiên Chúa là nội lực.
Sống trong Chúa Ba Ngôi nên Tôi luôn sống trong tình đó, luôn được thúc bách bởi động lực đó. Cho nên Tôi muốn chuyển dịch, muốn lay động, muốn thay đổi một điều gì đó: muốn rằng mọi sự tiến tới. Đó là mầu nhiệm của Thánh Thần: không ru ngủ mà đặt câu hỏi, thúc bách canh tân cải thiện. Không để yên một tình trạng bất lợi bất toàn, mà đánh thức, nhắc nhở đổi thay. Tôi được dẫn dắt bởi Thánh Thần đó.
Thánh Thần là sức mạnh đi từ Cha đến Con và từ con đến Cha. Là sức sáng tạo, là sự chia sẻ hết tình hết mình của Cha, và là lời đáp trọn tình trọn mình của Con. Và Tôi được đón nhận, đưa vào chuyển động tràn trào tương hỗ không ngừng đó. Để tôi đưa, chia, trao cho, mang tình đó đi tiếp đến nơi Chúa chờ, vì Thánh Thần luôn đi đến nơi đó trước rồi.
Nội lực truyền giáo là sự thúc bách của Tình yêu Thiên Chúa.
Như thế, là tu sĩ truyền giáo tôi học lắng nghe Thánh Thần thì thầm, thúc đẩy trong tôi. Nghe tiếng lòng xôn xao nơi tôi, trong cộng đoàn và trong những dấu chỉ của thời đại. Bởi vậy, thinh lặng là yếu tố không thể thiếu trong đời tu sĩ truyền giáo. Cần phải tập tành việc lắng nghe này trước khi làm, suy và nói.
Trước điều tôi thích hay không thích là tìm cái hương vị của Thánh Thần.
“Một trong những mục tiêu đào tạo của chúng ta là tập lắng nghe Lời Thiên Chúa gọi trong thế giới, trong lịch sử và các biến cố của nó để đưa ra lời đáp lại trong đức tin. Sự chú ý các dấu chỉ của thời đại cũng là một phần trong ơn gọi của chúng ta. Điều này cần được luyện tập trong thời gian huấn luyện căn bản, và được thực hành trong suốt cuộc đời của mình.” (HP 507).
Qua Thánh Thần, là chuyển động tình yêu Thiên Chúa, Tôi trở thành một lối đi.
Tôi là một con đường dẫn đến người khác. Nhưng trước hết, lối đi đó, con đường đó dẫn đến với chính tôi. Rồi từ Tôi hay nói rõ ràng hơn: từ lòng tôi xuất phát một con đường đến lòng người khác.
Đó là một con đường hay một chiếc cầu, được bắc giữa hồn người, và được xây bằng những gì nằm trong thẳm sâu của đáy lòng. Nghĩa là được ghép nối bằng những cái rất riêng tư, nhưng đồng thời là những gì mà mà ai cũng có giống ai. Gồm có những khát khao được yêu thương, được công nhận, được coi trọng, rồi những yếu đuối, đam mê, những hình dung và mơ tưởng, cả những bức xúc, cảm giác nóng giận, thù hằn.
Được nối kết từ trong thẳm sâu của tâm hồn, nên lối đi đó đầy những thông cảm cho sự yếu đuối và mỏng giòn của người khác. Như thế, con người có thể đến thật gần nhau.
Điều mà Thánh Thần tác động cũng là: làm cho dừng bước lại. Ngừng lại để nối kết con người thất vọng, nản chí chán chường với Đấng phục sinh – như trên đường đi Emmaus của hai môn đệ.
Dừng lại để kể về những kinh nghiệm đời mình, chia sẻ những buồn vui và về niềm tin, về hiểu biết Kinh Thánh của mình, về Đức Giêsu. Dừng lại để có thể ngồi chung bàn, ăn chung mâm. Rồi qua đó nhận ra chân diện của nhau, và nhận ra Đức Giêsu Kitô.
Cũng thế, là tu sĩ truyền giáo tôi nối đời với người khác qua chiếc cầu thiên thánh - qua Thánh Thần – để củng cố niềm tin, tạo hi vọng, niềm vui và tương lai, sự sống, tự do và giải thoát.
[Còn tiếp]
© p.nguyễnđứcvinhsvd
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét