17 thg 11, 2011

Đâu là nguồn sống của một tu sĩ truyền giáo Ngôi Lời?

Được trình bày lần đầu trong Ngày Tịnh tâm tháng mười một 2011 tại Học Viện Ngôi Lời Việt-Nam. Có sửa đổi cho publication này.


[phần 1]
 Điều gì làm nền tảng, điều gì thúc đẩy chúng ta?
© p.nguyễnđứcvinhsvd 
Thực trạng truyền giáo trì trệ với những con số phát triển khiêm nhường trong những thập niên vừa qua, tinh thần và sự sẵn sàng dấn thân truyền giáo yếu ớt nơi hầu hết Kitô hữu, và nhất là nơi chúng ta, những „nhà truyền giáo chuyên nghiệp“, buộc ta đặt lại cho mình những câu hỏi căn bản:
Đâu là nguồn sống của Tôi, một tu sĩ truyền giáo Ngôi Lời? Điều gì làm nền tảng và căn tính cho ơn gọi của chúng ta? Điều gì thúc đẩy chúng ta, thúc đẩy Tôi đến nơi đây?
Cần tự hỏi mình và cần hỏi nhau như vậy, nếu không thì khó tránh khỏi được sự ngạc nhiên, rằng: trong đời mình xảy ra tình trạng „thiếu lửa“, như có thể quan sát ở nơi nhiều anh em hiện nay. Hay là khi chúng ta đặt sự quan tâm lo lắng, âu lo sợ hãi nằm không đúng nơi đúng chỗ.

Không lửa khiến cho tu sĩ truyền giáo thế giới, dù mới chịu chức mà chần chừ ngại ngùng ra đi. Hay không tâp trung sức lực cho việc chuẩn bị như học ngôn ngữ và tìm hiểu văn hóa, mà chạy rông, kéo dài thời gian ở lại không cần thiết.
Phát triển những biệt tài thời thượng, được thấy nơi nhiều tu sĩ trẻ, là „làm“ những điều phản lại các giá trị nhà tu, như biếng nhác, hách dịch, cũng như đam mê vật chất, bài bạc, games, chat, hoặc tìm đủ cớ để tổ chức tiệc tùng ăn nhậu, cũng là những dấu hiệu rõ rệt cho sự thiếu nhiệt huyết truyền giáo. 
Thiếu chủ động, sáng kiến cho việc truyền giáo tại nơi mình được sai đến, chỉ ngồi chờ ai đó nói cho biết cần phải làm gì, hoặc chỉ bằng lòng với công việc mục vụ bí tích theo truyền thống mà thôi cũng là những dấu hiệu mất lửa. Lý tưởng là: “mỗi người anh em phải tập phát triển óc sáng kiến, và tìm kiếm những con đường mới. Cần tập làm quen với sự hi sinh bản thân và sẵn sàng chấp nhận thất bại cách kiên nhẫn và can đảm” (HP 503.3).
Tệ hại không kém là khi tu sĩ truyền giáo trẻ, mà đi đọc bài giảng của người khác, chứ không tự suy tự soạn. Rao giảng Lời Chúa, truyền giáo, mà không từ những suy nghiệm cá nhân thì khó có thể nói mình là chứng nhân cho Tin Mừng. Hay đi tu Dòng truyền giáo mà chỉ thích chỉ mơ đi vào những nơi những xứ đạo đã ổn định, nơi đã có người lót ổ cho rồi.
Đường hướng Dòng thì như vậy: „Chúng ta hoạt động trước hết và nhất là ở những nơi mà Tin Mừng chưa hề được rao giảng hoặc chưa được rao giảng cho đủ, và ở những nơi mà Giáo hội địa phương chưa tự lực sống vững được. Với tư cách là tu sĩ truyền giáo, chúng ta ý thức trách nhiệm của chúng ta đối với thế giới và các nhu cầu của nó.“ (HP 102.507).
Khai hoang, đi tiên phong, đi mở lối: đó là ơn gọi của chúng ta. Không hơn không kém.
Nhà truyền giáo mà thiếu vision, không ước mơ đổi thay hiện trạng bằng men Tin Mừng, không muốn đốt sáng thế giới bằng ngọn lửa niềm tin, thì hẳn có gì đó không ổn trong ơn gọi. Là thành viên Dòng truyền giáo thế giới, mà lại không muốn đi truyền giáo phương xa, chỉ muốn quanh quẩn bên gia đình hay tụm ba tụm bảy bên „anh với em“ thì quả là có chi sai trong quyết định.
Giúp cho lớp đàn em biết về nguồn đặc sủng của Đấng sáng lập Dòng, trong đời sống của Ngài, trong các thư từ liên lạc, trong lịch sử của Hội dòng, trong Hiến pháp, trong các Qui luật và các Giáo huấn của Dòng là trách nhiệm của các người đào tạo ở mọi bậc (Đệ tử, Nhà thỉnh, Nhà tập và ở Học viện). Còn nổ lực tìm hiểu là nhiệm vụ của những người đi sau.
Bởi vì chính những đặc sủng của Dòng mà các anh em đã xin gia nhập Hội dòng này. 
Nếu các nhà đào tạo trong Dòng không làm việc đó, thì họ đã không chu toàn trách nhiệm. Còn nếu các anh em sau nhiều năm ở trong Dòng rồi, mà không cảm thấy có interest tìm hiểu về đặc sủng của Dòng và của Đấng sáng lập dòng, không muốn hiểu biết bằng tri thức và hấp thụ với lòng yêu mến, thì cần tự đặt câu hỏi: „Tôi tìm gì ở đây thế?“ (x. Ga 1,39).
Và như vậy thì hẳn có chút gì đó rất quan trọng không đúng trong lối suy và trong quyết định – của cả hai bên. Cần phải tự xét lại, bởi vì có một ngày các anh em sẽ tuyên hứa công khai gắn bó đời mình vào và sống những đặc sủng của Đấng sáng lập, của Hội Dòng suốt đời mình. Nghĩa là muốn và đã tự cố gắng đồng hóa mình với đặc sủng ấy. Chính điều này làm nên căn tính của anh em, của chúng ta.
Không biết mình là ai, thuộc về đâu và được trao sứ mạng gì cho thế giới hôm nay, thì làm sao có thể „bừng cháy“ cho Đức Kitô và cho con người? 
Chuyện kể có một người học nghề điêu khắc rất có khiếu và chăm chỉ, nhưng anh không hài lòng với các tác phẩm của mình. Chúng trông đẹp mắt, mà thiếu một chút gì đó. Kỹ thuật không ai có thể phê bình, nhưng vắng „hồn“ trong các bức tượng của anh ta. Anh bèn mượn các dụng dụ của sư phụ để sáng tác, hi vọng tạo cho các tác phẩm của mình sức sống động. Nhưng kết quả cũng không thỏa mãn. Có kẻ khôn ngoan nhìn thấy vậy bèn nói với anh: “Các dụng cụ mà thôi không giúp được anh, mà anh phải „hớp hồn“ của sư phụ trước đã, rồi hãy đục đẽo.”

Để có được „hồn“ hay „có lửa“ cho mình, khi đeo đuổi ơn gọi truyền giáo, thì chúng ta cũng thế: phải tìm cách „hớp“ cho được hồn của Sư phụ. Là thành viên Dòng truyền giáo Ngôi Lời, thì khi đi tìm lại nguồn lực, nguồn nhiệt huyết để đốt lại lửa truyền giáo của mình, chúng ta cần đọc lại cuộc đời của Đấng sáng lập: Cha Arnold Janssen.