Ngôi Lời
Chúng ta phải dọn chỗ trong lòng cho Ngôi Lời, thì Lời mới ở lại. Thì Lời mới trở nên xương nên thịt trong chúng ta, trong Tôi được.
Để Lời sống động trong tôi, để khi tôi nói về Lời, thì không tách Lời khỏi đời tôi. Để cho lời của tôi „có hồn Giêsu“, chứ không là những sáo ngữ đậm nét văn chương bóng bẩy, gây ấn tượng, nhưng không là lời của chứng nhân.
Muốn vậy thì cần phải dành giờ cho việc đọc Kinh Thánh, cho nghiên cứu (lắm lúc rất khô khan), cho suy niệm, cảm nghiệm, thực hành và chia sẻ. Cần nối Lời với mọi kinh nghiệm đời tôi, với đời sống cộng đoàn và với thế giới. Và cần đến các „Ngày sa mạc“ như hôm nay.
Lời cần được trộn với đời tôi như men được nhào trộn trong bột. Có như vậy thì lời của tôi mới trở thành Lời chứng cho Đức Giêsu Kitô. Thì lời Tôi nói không là sự lập lại những „khẩu hiệu đạo đức“, có dán lên nhãn hiệu „Ngôi Lời“.
Nếu Lời thành xương thành thịt trong tôi, thì tôi biết được, cảm nghiệm được ý muốn, ý niệm đầu tiên là: Thiên Chúa.
Tôi hiểu, cảm nghiệm trong chính hồn xác của mình được, rằng: Tôi được tạo thành bằng Lời yêu thương và được cứu độ bởi Lời đó. Tôi là kết quả của tình yêu Thiên Chúa. Tông đồ Phao lô mô tả kinh nghiệm này như vậy: „Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Ngôi Lời sống trong tôi“ (Gal 2,20).
Lúc đó tôi ý thức ra rằng: Tất cả những gì trong tôi mà không thuộc về Lời của Chúa, thì cần được biến đổi, cho đến khi tôi hoàn toàn trở nên Lời Chúa. Đời tôi phải trở nên Lời Chúa: Lời yêu thương.
Và khi đó lời tôi loan truyền có sức mạnh, mà thiên hạ và cả tôi, không hiểu sức đó đến từ đâu. Trở nên một với Lời là để cho Lời và lòng, mặt và bụng trở nên một,. Và Lời loan truyền của tôi có sức mạnh dẫn đưa con người đến với Đức Kitô.
Lời đó cũng tạo hiệp nhất với người khác. Không trong nghĩa “huề cả làng, hay sao cũng được, hay ai sao mình vậy“, mà qua việc phát hiện Lời sống trong người khác. Nối kết, kết hợp với Lời sống trong người khác, với người khác.
Truyền giáo bằng Lời là nối đời qua Lời sống động trong mỗi đời. Là „Lời nối Lời“ từ trong tận đáy hồn.
Truyền giáo
Truyền giáo đòi hỏi sự hiệp nhất với chính mình. Rồi tiếp đến với những người đang sống cùng ơn gọi, những người được mời gọi bởi cùng một Lời, cùng danh Giêsu - là anh chị em cùng Hội dòng.
Cần sự „đụng chạm“ với họ để nghe và hiểu mình và hiểu nhau. Để thực hiện trong cộng đoàn của mình viễn ảnh của Hội Dòng, là: „sống hân hoan sự phong phú khác biệt của nhân loại.“
Trong cộng đoàn đó, Lời hiện hữu trong sức liên kết của Thánh Thần. Khi đó chúng ta sống với nhau mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Và đó là lúc „chúng ta truyền giáo“ qua bản chất "là ai" của mình và qua đời sống cộng đoàn.
Khi đó, chúng ta không truyền giáo qua việc làm này làm nọ, qua công trình, dự án, mà chúng ta là truyền giáo. Khi chúng ta sống điều chúng ta là. Nghĩa là qua sự hiện hữu chân thành của những người biết mình được Thiên Chúa yêu thương.
Lòng đạo của Cha Arnold Janssen xây trên niềm tin Chúa Ba Ngôi, như vừa được trình bày. Nền tảng đạo đức đó có một cơ cấu đơn giản: Chúa Ba Ngôi, Lời và Thánh Thần. Ngài đã đón nhận lòng đạo đức này từ cha ruột của mình.
Ba điểm này cũng là cơ cấu truyền giáo và là bản chất của Giáo hội. Và đây là điểm khởi nguồn cho việc truyền giáo, cho sự thúc bách ra đi để làm điều gì mới mẻ, giữa những đảo lộn và suy tàn trong Giáo hội thời đó.
Arnold Janssen muốn mở rộng Giáo hội, khi muốn đào tạo và gửi người ra đi loan Tin Mừng Đức Giêsu, trong khi bầu khí của cuộc “chiến dịch văn hóa” (Kulturkampf) bóp nghẹt đời sống Giáo hội tại Đức quốc thời đó. Tức là làm một việc được cho là ngược đời, như lời Đức Giám mục địa phận Köln bộc lộ.
Khi Cha Arnold Janssen đến gặp Tổng Giám mục Paulus Melschers von Köln, để xin sự ủng hộ thành lập một „Nhà cho việc đào tạo truyền giáo nước ngoài“, và xin ủng hộ tài chính, thì Đức cha này nói:
„Chúng ta sống trong một thời đại, khi tất cả nghiêng ngả và mọi sự dường như đi xuống dốc cả, còn Cha thì đến đây và muốn bắt đầu một cái gì đó mới mẻ?“
Arnold Janssen đáp lại: „Thưa Đức Cha, chúng ta sống trong một thời gian, khi có nhiều điều xuống dốc và mất mát, thì cần phải có những cái khác mới được xây dựng lên chứ.“ (Alt 2004, 36).
Là thành viên Dòng Ngôi Lời, chúng ta cần phải trở tìm về nguồn này. Tìm về với nền tảng niềm tin của Đấng lập dòng, là về với niềm tin vào Chúa Ba Ngôi, khi „tìm lửa“ để sống ơn gọi truyền giáo của mình hôm nay tại đây.
Cần tìm lại nền tảng cho ơn gọi của mình, của riêng mình và của chúng mình - như là cộng đoàn.
Nếu không thì nói mình là tu sĩ truyền giáo thế giới, mà lại thiếu vắng một viễn ảnh và dễ rơi vào những lối cụt, được lót bằng những phô trương và bằng con số thành viên, bằng sự hoành tráng vô hồn bên ngoài và những những bào chữa quanh co, do hàng trăm thứ „Tại“.
Đối với hoàn cảnh của chúng ta, thì niềm tin vào Chúa Ba Ngôi của Đấng sáng lập chỉ cho lối phát triển cá nhân, như là những nhân vị. Hơn nữa: những „ngôi vị“ trong cộng đoàn.
Cần nhận ra danh dự to lớn, to nhất này. Đó là nền tảng cho sự trưởng thành cá nhân, cho việc khám phá và làm lời vốn liếng Thiên Chúa trao cho Tôi. Và đó cũng là nền tảng của sự dấn thân cho nhân phẩm, công bằng, cho sự tôn trọng và bảo vệ sự sống và sự phong phú khác biệt của con người, cũng như cho việc bảo vệ môi sinh.
Nói vậy, cần chống trả lại mọi hình thức giáo dục cào bằng lối suy nếp nghĩ, đồng phục hóa và nô lệ hóa tinh thần bằng những „cơ chế tội lỗi“.
Nền tảng cho lối suy lối sống đó là viễn ảnh rõ ràng trong Kinh Thánh và Giáo lý kitô, rằng: trong nguồn cội và trong sự hoàn tất phải là sự gặp gỡ, là hiệp nhất, nhưng „không trộn lẫn và không tách riêng“, không nhị nguyên và không độc quyền, mà là Ba Ngôi, là cộng đồng.
Nghĩa là coi trọng tính khác biệt của người khác, quý trọng và say mê sự đa dạng thiên thánh, dám chịu đựng nỗi đau mà sự lớn mạnh triển nở của quan hệ gây ra, cho đến việc yêu cả kẻ thù. Đó là phép lạ của sự khác biệt dựa theo niềm tin sáng thế của Kinh Thánh. Là „chất trời“ giữa những gì là rất đời.
Cho việc yêu thương khi rao truyền Tin Mừng, thì niềm tin Chúa Ba Ngôi là mẫu khuôn lý tưởng: khi dám nói „Tôi“, để có thể yêu thương trọn vẹn. Không sợ bị nuốt, bị hòa tan, mà tin chắc được tôn trọng trong sự khác biệt độc nhất vô nhị của mình.
[Hết]
© p.nguyễnđứcvinhsvd
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét